Thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết để giải quyết các thách thức của khu vực

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của khối, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: VGP

Chương trình làm việc bận rộn của Thủ tướng

Chiều 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, trong hai ngày 22 - 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc bận rộn với nhiều hoạt động đa dạng, cả song phương và đa phương.

Ngày 22/6, Thủ tướng đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayth Chan-o-cha, Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo, tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34.

Ngày 23/6, Thủ tướng tham dự khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng đã có các cuộc gặp các nhà lãnh đạo Lào, Campuchia, Philippines; gặp mặt một số tập đoàn lớn của Thái Lan và tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cùng đại diện kiều bào tại Thái Lan.

Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể như vấn đề giải quyết lao động, thúc đẩy phân định các vùng biển, các vướng mắc về thuế…

Đề cao đoàn kết nội khối, vun đắp lòng tin

Phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 chiều 22/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ đề Hội nghị do Thái Lan đề xuất, cho rằng duy trì môi trường khu vực hòa bình lâu dài, ổn định bền vững là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của ASEAN. Theo Thủ tướng, hòa bình, ổn định không tự đến, mà chúng ta phải nỗ lực và cùng nhau gìn giữ sự đoàn kết, gắn bó để trở thành một đối tác tin cậy, một Cộng đồng mạnh mẽ, giữ vai trò trung tâm.

Từ thực tiễn lịch sử và những diễn biến gần đây, Thủ tướng đề nghị trong mọi trao đổi và hành động, dù tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, nhưng ASEAN là một cộng đồng, cần đề cao đoàn kết nội khối và vun đắp lòng tin giữa ASEAN với các đối tác. Trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, căng thẳng thương mại... các nền kinh tế mở như các nước ASEAN cần phát huy năng lực tự cường, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Nhà lãnh đạo ASEAN thực hiện nghi thức khai trương Kho vệ tinh ASEAN. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần đặt ưu tiên hàng đầu tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế hợp tác và an ninh khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt. ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, chú trọng kết nối và phát triển mạng lưới các Trung tâm công nghệ 4.0.

Phát biểu tại phiên họp hẹp, Thủ tướng cho rằng, để duy trì sự gắn kết bền vững, các quốc gia ASEAN cần thẳng thắn, chân thành. ASEAN vốn là một mẫu hình về sự “thống nhất trong đa dạng” và khi tôn trọng sự đa dạng, khác biệt cũng cần tránh làm phương hại đến lợi ích và tình cảm của nhau mà tất cả hãy đoàn kết, nỗ lực vì lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, đã có những nỗ lực, tiến triển trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và hướng tới sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, bền vững và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trên thực địa vẫn rất phức tạp do các hoạt động bồi đắp các thực thể, quân sự hóa, va chạm, đâm chìm tàu của ngư dân… do đó các bên cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, trách nhiệm đối với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định.

Thủ tướng nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN có phát triển bền vững hay không phụ thuộc phần lớn vào đoàn kết, bản lĩnh và ý chí của các nước thành viên. Do vậy, cần cân bằng trong tiếp cận, hài hòa trong quan hệ, chủ động trong hành động, bởi đó chính là “chìa khóa” giúp ASEAN kiến tạo chỗ đứng vững vàng, tiếp tục phát triển.

Củng cố quan hệ song phương tốt đẹp với các nước ASEAN

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, làm việc, tiếp xúc song phương các trưởng đoàn, nhà lãnh đạo một số quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: VGP

Theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 - 1980.

Thủ tướng khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.

Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hòa bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.

Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: VGP

Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020 và cán cân thương mại cân bằng hơn giữa hai nước. Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như với các nước khác trong tiểu vùng Mekong thông qua các dự án kết nối đường bộ, đường thủy nhằm phục vụ hợp tác giao thương, giao thông vận tải, du lịch và giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo. Ảnh: VGP

Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho tương xứng với tiềm năng và tầm vóc quan hệ hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác biển và nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung liên quan trong Chương trình hành động giai đoạn 2018-2023, trong đó có việc tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Indonesia xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá, ngư dân của Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, nhân đạo, theo luật pháp, thông lệ quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, nhất trí tăng cường phối hợp lập trường tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN và Liên Hợp quốc, đặc biệt trong năm 2020 khi hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: VGP

Tại buổi ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 23/6, ba Thủ tướng nhất trí hợp tác trong khuôn khổ tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Tiểu vùng Mekong, sớm xây dựng Kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng thu hút các nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho các dự án Tiểu vùng. Ba Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác gìn giữ an ninh khu vực biên giới, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối vùng biên, khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực biên giới ba nước hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Ba Thủ tướng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và có vai trò trung tâm.

Tại cuộc gặp ngắn với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Nhân dịp này, Tổng thống Rodrigo Duterte cảm ơn về việc tàu cá Việt Nam cứu giúp 22 ngư dân của Philippines gặp nạn trên biển ngày 9/6/2019, khẳng định sẽ tiếp tục dành cho ngư dân Việt Nam sự đối xử nhân đạo theo tinh thần hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN; nâng cao hình ảnh Việt Nam đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc giải quyết các thách thức của khu vực.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/that-chat-va-cung-co-tinh-than-doan-ket-de-giai-quyet-cac-thach-thuc-cua-khu-vuc-post64057.html