Thắt chặt khung hình phạt đối với nạn sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 đã thắt chặt khung hình phạt đối với tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 đã thắt chặt khung hình phạt đối với tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm tại một số điều, thể hiện rõ nhất tại Điều 193.

Cụ thể, Điều 193 của Bộ Luật quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,… thì mức án tù cũng tăng tương ứng từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án chung thân. Cá nhân phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Sức khỏe người dân bị đe dọa khi mua nhầm hàng giả được sản xuất từ công cụ thô sơ cùng những nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc không rõ thông tin.

Sức khỏe người dân bị đe dọa khi mua nhầm hàng giả được sản xuất từ công cụ thô sơ cùng những nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc không rõ thông tin.

Áp dụng Điều 193 Bộ luật này, vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã quyết định tuyên phạt các bị cáo N.M. T 5 năm 6 tháng tù giam và phạt hành chí 30 triệu đồng, bị cáo T.T.T 3 năm 6 tháng tù và bị cáo N.T.T. L 2 năm tù vì tội danh “Sản xuất và buôn bán hàng hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm”. Đồng thời, áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi,bổ sung năm 2009) và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa cũng tịch thu và sung công quỹ nhà nước một xe gắn máy hiệu Honda Airblade biển số 59K2-02552, đồng thời yêu cầu các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền thu lợi bất chính 3.400.000 đồng.

Được biết, khi tiến hành khám xét nơi ở của các bị cáo, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 300 gói bột ngọt giả thành phẩm, 60 bao bột ngọt xá loại 25kg/bao cùng các dụng cụ để sản xuất bột ngọt giả như máy ép nhựa, thau nhựa, cân, giá xúc. Bị cáo N.M.T khai nhận số bột ngọt xá này được mua từ một đối tượng không rõ lai lịch tên V với giá 700.000 đồng/bao, được dùng làm nguyên liệu sản xuất bột ngọt giả.

Với mức xử phạt hình sự và hành chính khắt khe, đây là sự trừng phạt thích đáng cho hành vi vì lợi ích cá nhân mà gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời mang tính răn đe cao đối với những đối tượng có ý định sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả nói riêng và hàng giả nói chung.

BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 đã giải quyết thấu đáo những vấn đề mà người tiêu dùng hoang mang, lo lắng liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm. Một điểm mới đáng lưu ý tại Điều 193 đó là pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm. Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này sẽ bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến mức cao nhất là 18 tỷ đồng thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.”, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ.

Như vậy, trước vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang nhức nhối cũng như tình trạng sản xuất phụ gia thực phẩm giả đang trở nên phổ biến, nhất là tại các khu vực gần biên giới, BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 là một tín hiệu tốt không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh chân chính bảo vệ thương hiệu của mình.

Nguyễn Ngân

Bạn đang đọc bài viết Thắt chặt khung hình phạt đối với nạn sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả tại chuyên mục Pháp luật của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/that-chat-khung-hinh-phat-doi-voi-nan-san-xuat-va-buon-ban-phu-gia-thuc-pham-gia-147240.html