'Thắt chặt đầu ra' đang mạnh dần lên

Có vẻ như quy luật 'hình trụ tròn' của giáo dục Đại học (ĐH) trong nước theo kiểu: 'Vào bao nhiêu ra bấy nhiêu' đang chuyển thành hình kim tự tháp ngược, khi nhiều trường ĐH bất ngờ thông báo buộc thôi học hàng trăm sinh viên không đủ yêu cầu. Theo xu hướng quốc tế, vào học dễ, tốt nghiệp khó, đây liệu có phải một cách 'thắt chặt đầu ra' để siết lại chất lượng giáo dục ĐH như lâu nay các trường và Bộ GD&ĐT vẫn nói hay không?

Bất ngờ với thông báo cho thôi học hàng trăm sinh viên

Trường ĐH Luật TP HCM vừa công bố danh sách 230 sinh viên văn bằng 1 và văn bằng 2 dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học 1 năm và buộc thôi học kể từ học kỳ 1 năm học 2017-2018 vì có kết quả học tập yếu kém.

Theo danh sách này có 66 sinh viên văn bằng 1 hệ chính quy dự kiến bị cảnh báo học vụ, có 41 sinh viên văn bằng 1 hệ chính quy dự kiến buộc thôi học sau khi bị cảnh báo học vụ 2 lần liên tiếp do kết quả học tập yếu kém.

Trong số 123 sinh viên văn bằng 2 hệ chính quy có tên trong danh sách này thì có 71 người dự kiến buộc thôi học, số còn lại dự kiến bị đình chỉ 1 năm hoặc cảnh báo học vụ.

Mới đây, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ, mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 700-800 học sinh bị buộc thôi học: “Số sinh viên bị thôi học phần lớn do mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Ngoài ra, khi lên ĐH, các em thường được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý xả hơi”.

Nhiều trường như ĐH Thủy lợi, ĐH Tây Nguyên… cũng có thông báo về việc sẽ đình chỉ, buộc thôi học những sinh viên không đủ điều kiện mỗi năm học.

Việc này thực ra không mới trong “quản lý giáo dục ĐH”, nhưng gây bất ngờ bởi lâu nay ít người quan tâm đến số lượng sinh viên không đủ chuẩn, không thể ra trường, cũng như lâu nay người ta chỉ quan tâm đầu vào bao nhiêu điểm thay vì để ý chất lượng đầu ra.

Trên thực tế, trong suốt thời gian học ĐH, sinh viên phải hoàn thành số tín chỉ cần tích lũy theo đúng chương trình học, đi học chuyên cần và đạt điểm số cần thiết mới có thể được trao bằng ĐH. Với những sinh viên không tích lũy đủ số tín chỉ tương đương với khối lượng kiến thức cần thiết, không đủ điểm ở mức tối thiểu, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thì buộc thôi học là… đương nhiên. Không thể có chuyện một sinh viên chăm chỉ cũng bị đánh đồng giống một sinh viên lười học và thiếu tập trung khi ra trường được.

 Buộc thôi học sinh viên không đảm bảo điều kiện là một trong những biện pháp siết chặt đầu ra của giáo dục ĐH. ẢNH: P.T

Buộc thôi học sinh viên không đảm bảo điều kiện là một trong những biện pháp siết chặt đầu ra của giáo dục ĐH. ẢNH: P.T

Siết chặt chất lượng theo mô hình kim tự tháp ngược

Lâu nay, rất nhiều ý kiến cho rằng về chất lượng giáo dục thì bậc ĐH đang gặp vấn đề nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. So với phần trăm dân số học ĐH, thì tỷ lệ ở Việt Nam không cao, nhưng giáo dục ĐH lại đang tạo ra những người “thất nghiệp” nhiều hơn.

Một phần là vì cơ cấu đào tạo ngành bất hợp lý, ngành thừa thì càng đào tạo thêm, trong khi ngành đang thiếu nhân lực lại không có người học. Một phần là vì chất lượng của cử nhân sau khi tốt nghiệp ĐH quá… kém. Đáng ra, nhân lực qua bậc đào tạo ĐH, CĐ phải là lao động có chất lượng cao, nhưng trong thực tế, đa phần các đơn vị tuyển dụng phải đào tạo lại. Khả năng tiếng Anh lại kém, dẫn đến việc cử nhân ĐH không đáp ứng được nhu cầu công việc với đòi hỏi mức lương mong muốn.

Trên thế giới, xu hướng mở rộng cánh cổng ĐH đang được áp dụng khá nhiều, nhưng học có ra trường được hay không lại là chuyển khác. Tức là họ quan tâm đến chất lượng đầu ra, từ đầu vào đến đầu ra ĐH được mô phỏng theo hình “kim tự tháp ngược”, vào dễ, ra khó.

Khi bỏ phương án điểm sàn đầu vào ĐH, Bộ GD&ĐT đã cho rằng đây là một biện pháp thay đổi về chất lượng, thay vì quá chú trọng đầu vào, các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra, tham gia kiểm định chất lượng, công bố tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Các chuẩn đầu ra này phải phù hợp với Khung trình độ quốc gia Chính phủ mới ban hành.

Để đảm bảo uy tín và thương hiệu, nhiều trường ĐH đang mạnh tay sàng lọc chất lượng sinh viên trong quá trình đào tạo. Việc kiên quyết với những người học không đủ điều kiện nhận bằng cử nhân là cần thiết, một bước trong công cuộc thắt chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/that-chat-dau-ra-dang-manh-dan-len-106901.html