Thất bại và scandal tình ái 'bủa vây' phim Việt năm 2018 như thế nào?

Điện ảnh Việt năm 2018 có quá nhiều ảm đạm với chỉ vỏn vẹn 5 bộ phim thành công về doanh thu, trong khi hàng tá phim chết một cách âm thầm và lặng lẽ. Vì sao?

Theo con số của một đơn vị phát hành phim chiếu rạp tại Việt Nam cung cấp cho người viết, doanh thu 40 phim nội địa đã chiếu rạp tính đến giữa tháng 12/2018 đạt mức khoảng 700 tỷ đồng, ngang bằng với năm ngoái, dù số lượng phim và rạp chiếu đều tăng lên.

Chỉ có 5 bộ phim trong số đó thành công về doanh thu, hơn 2/3 phim bị thua lỗ nặng nề. Liệu điện ảnh Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ suy thoái khi chưa kịp phát triển?

Tạm thời chưa tính đến Gái già lắm chiêu 2Hồn Papa da con gái được phát hành trong nửa cuối tháng 12, trong số 40 bộ phim chính thức chiếu rạp trong năm 2018, chỉ có 5 bộ phim được xem là thành công về doanh thu. Đó là Siêu sao siêu ngố, Lật mặt 3, Tháng năm rực rỡ, Chàng vợ của em798Mười, tính theo mức doanh thu từ cao đến thấp.

Trong số này, Siêu sao siêu ngố 798Mười phát hành vào dịp Tết Nguyên đán và được hưởng lợi từ kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Mức doanh thu 108 tỷ đồng của Siêu sao siêu ngố (đạo diễn Đức Thịnh) được xem là bất ngờ vì bộ phim này chỉ là một sản phẩm giải trí trung bình và khá cũ kỹ.

Yếu tố quyết định hút khán giả chủ yếu đến từ cái tên Trường Giang, ngôi sao hài có lượng fan đông đảo. 798Mười, bộ phim tâm lý hài có chất lượng nhỉnh hơn của đạo diễn Dustin Nguyễn, dù không thành công như mong đợi nhưng cũng tạm hài lòng với mức doanh thu khoảng 55 tỷ đồng.

Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Lật mặt 3 (Lý Hải) và Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn) cũng có thành tích đáng tự hào khi vượt mốc doanh thu 80 tỷ đồng. Thành công doanh thu của ba bộ phim này dễ hiểu hơn, bởi chúng là những bộ phim có chất lượng khá tốt, nắm bắt được thị hiếu của khán giả.

Nếu Tháng năm rực rỡ, một bộ phim remake từ một tác phẩm gốc của điện ảnh Hàn Quốc vốn đã có kịch bản quá tốt và Chàng vợ của em được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết ăn khách của Pháp - đều có yếu tố “vay mượn” chất liệu của nước ngoài thì Lật mặt 3 thực sự là một hiện tượng thành công đáng phải ghi nhận và lý giải của Lý Hải.

Lật mặt cũng trở thành một “franchise” (thương hiệu) nguyên bản mang dấu ấn của biên kịch, đạo diễn Việt Nam rõ nét.

Dù không phải là một đạo diễn có tay nghề tốt với lối làm phim thiên về tự nhiên chủ nghĩa và thậm chí “điếc không sợ súng”, Lý Hải lại có lợi thế ít ai có được trong làng phim Việt Nam là… liều mình như chẳng có và dám đi đến tận cùng sở trường của mình.

Lý Hải cho thấy anh là người lấy cần cù bù khả năng, thử thách bản thân khi thực hiện được những bối cảnh khó thực hiện, những cảnh phiêu lưu, hành động hấp dẫn, kích thích “adrenaline” (một loại chất kích thích sự hưng phấn của thần kinh giao cảm) phù hợp với khán giả bình dân.

Điều này lý giải tại sao Lật mặt 3 đụng độ với bom tấn Hollywood lớn nhất của năm là Avengers: Infinity Wars vào dịp nghỉ lễ 30/4, bộ phim của Lý Hải vẫn gây bất ngờ khi thu về đến 85 tỷ đồng, trở thành phần ăn khách nhất trong loạt phim Lật mặt (kinh phí của phim khoảng 17 tỷ đồng).

Thành công của loạt phim Lật mặt (Lý Hải đã lên kế hoạch làm phần 4 ra mắt vào năm sau) cho thấy Lý Hải là một “ca” rất lạ của điện ảnh Việt khi chọn một lối đi hoàn toàn riêng biệt so với thị trường.

Tất nhiên, cũng phải chờ xem sự thành công của Lý Hải là một “hiện tượng” nhất thời hay bền lâu. Trong thị trường phim giải trí Việt Nam, Phước Sang cũng từng là một nhà sản xuất mát tay với nhiều bộ phim thành công về doanh thu nhờ đánh vào phân khúc bình dân vào đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, khi thị trường xuất hiện những gia vị hợp thị hiếu hơn, đặc biệt là sự xuất hiện của những đạo diễn Việt kiều từ Mỹ trở về, Phước Sang lập tức biến mất sau vài phim thua lỗ.

Hy vọng Lý Hải sẽ không đi vào vết xe đổ của đàn anh Phước Sang.

Sự đa dạng trong thưởng thức điện ảnh có lẽ là điều đáng phải nói đến của khán giả Việt Nam. Khán giả Việt vẫn hầu như chỉ “ăn” mãi những món quen thuộc như phim lãng mạn, hài hước, kinh dị, nghĩa là những thể loại phim phổ thông nhất và “gái tính” nhất.

Điều này có nghĩa là những tác phẩm thuộc các thể loại khác, đặc biệt là dòng phim độc lập, nghệ thuật hay thể nghiệm đều gần như cầm chắc thất bại (về doanh thu).

Năm 2017, hai bộ phim có dấu ấn nghệ thuật là Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) và Cha cõng con (Lương Đình Dũng) đều rất chật vật để tìm kiếm khán giả.

Trong năm 2018, điều tương tự cũng xảy ra đối với một vài bộ phim có chất lượng khá tốt như Song lang (đạo diễn Leon Quang Lê), Nhắm mắt thấy mùa hè (Cao Thúy Nhi), Vai diễn đổi đời (Nguyễn Quang Minh), Ống kính sát nhân (Nguyễn Hữu Hoàng) hay Dream man: Lời kết bạn chết chóc (Roland Nhân Nguyễn).

Hai bộ phim được truyền thông dành nhiều phản hồi tích cực nhất cũng như khá “viral” trên mạng xã hội là Song langNhắm mắt thấy mùa hè đều không về đích thành công tại phòng vé.

Nhắm mắt thấy mùa hè thu về khoảng 12 tỷ và Song lang xấp xỉ 5 tỷ đồng đều là hai kết quả đáng buồn cho hai bộ phim đáng có chất lượng và phong cách làm phim đáng được khích lệ nhất của năm 2018.

Thực ra, cả hai bộ phim này đều dễ xem và không hề đánh đố sự kiên nhẫn của người xem, có chăng, cả hai đều đề cao phong cách cá nhân và mang tinh thần độc lập của đạo diễn chứ không chạy theo các khuôn mẫu hay chịu sự áp đặt của nhà sản xuất. Tuy nhiên khán giả đại chúng Việt Nam vốn không mặn mà với những thể loại phim này.

Điều tương tự cũng xảy ra với ba bộ phim thuộc thể loại hình sự pha trộn một chút kinh dị như Ống kính sát nhân, Vai diễn đổi đời hay Lời kết bạn chết chóc.

Thực ra, những thể loại phim nói trên vốn không xa lạ gì với khán giả quốc tế và nhiều trong số đó gặt hái được những thành công lớn tại phòng vé, nhưng tại thị trường Việt Nam, chúng vẫn là những món ăn lạ miệng đối với khán giả Việt.

Phá vỡ được tâm lý và thói quen của khán giả Việt thực sự là một thử thách với những nhà đạo diễn không chạy theo số đông. Và sự đa dạng của điện ảnh Việt vẫn là câu chuyện muôn thuở khi chúng ta vẫn “ăn mãi một món” cho đến khi nhàm chán và thoái trào.

Thoái trào, đó cũng là điều mà người viết cảm nhận rõ nhất về bộ mặt của thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm 2018. Thực ra phim dở và phim thất bại năm nào cũng chiếm một tỷ lệ lớn ở Việt Nam, nhưng có lẽ trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào số phim dở lại tỷ lệ thuận với số lượng phim được sản xuất của năm nay.

Và cái kết đã minh chứng cho điều đó. Trong 40 phim đã ra mắt khán giả, có khoảng… 30 phim đang phải chịu cảnh thua lỗ, thậm chí mất trắng số tiền đầu tư.

Từ những bộ phim remake của điện ảnh Hàn như Yêu em bất chấp đến hợp tác với điện ảnh Hàn như Lala: Hãy để em yêu anh; từ những bộ phim có nhan đề sến sẩm hoặc nhảm nhí như Yêu em từ khi nào, Yêu nữ siêu quậy, Thử yêu rồi biết, Bao giờ hết ế, Kế hoạch đổi chồng, Quý cô thừa kế, Tìm vợ cho bà, Chú ơi đừng lấy mẹ con… đều lần lượt ra mắt rồi lần lượt biến mất tại các rạp chiếu không kèn không trống bởi chất lượng tệ hại và cũ kỹ của chúng.

Số phim thất bại còn lại, dù không đến mức thảm họa nhưng vẫn mắc vào điểm yếu muôn thưở của điện ảnh Việt: kịch bản.

Kinh phí sản xuất của một bộ phim chiếu rạp Việt Nam đang ở mức trung bình từ 8-12 tỷ đồng, thêm vào đó là tỷ lệ ăn chia ít nhất 50/50 với hệ thống rạp chiếu, nhưng doanh thu của rất nhiều bộ phim kể trên chỉ loanh quanh ở mức vài ba tỷ đồng, thậm chí chỉ đạt vài trăm triệu đồng (Yêu em từ khi nào, bộ phim lãng mạn trình chiếu vào dịp lễ Valentine 2018 chỉ thu về hơn 100 triệu đồng tiền vé.)

Điều đó cho thấy 30 bộ phim nói trên phải chịu thua lỗ từ vài tỷ đồng cho đến mất trắng hoàn toàn số tiền sản xuất mà họ bỏ ra.

Không khó để lý giải cho sự thất bại thảm hại của hàng loạt phim Việt chiếu rạp trong năm 2018. Nhà sản xuất ăn đong và tầm nhìn ngắn hạn, “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” trong khi hoàn toàn mơ hồ về thị trường điện ảnh. Kịch bản vụng về, chắp vá, vô thưởng vô phạt, nửa vời, đầy rẫy các lỗi logic ngớ ngẩn hoặc phi lý đến mức khó tin.

Chỉ đạo của những đạo diễn tay ngang, lần đầu làm phim, không có tay nghề thể hiện rõ ở sự vụng về, cũ kỹ, vay mượn. Cùng với đó là diễn xuất gượng gạo hoặc kệch cỡm của những diễn viên như những con robot vô hồn… đã khiến khán giả Việt chưa kịp lấy lại lòng tin đối với phim Việt thì liên tiếp bị dội những gáo nước lạnh.

Khi không chinh phục được khán giả bằng chất lượng thực sự, họ còn bày ra những chiêu trò scandal với ý đồ thao túng khán giả mà câu chuyện của bộ ba Kiều Minh Tuấn, An Nguy và Cát Phượng là ví dụ điển hình.

Tất cả những điều này đã khiến phim Việt đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái nếu những nhà sản xuất và những nhà làm phim Việt không thực sự thức tỉnh. Bài học về sự thoái trào và biến mất hoàn toàn của dòng phim mì ăn liền những năm 90 vẫn còn đó.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, cái kết đắng của rất nhiều bộ phim Việt nhảm nhí thực ra là điều cần thiết. Hơn bao giờ hết, điện ảnh Việt cần phải có một cuộc thanh lọc thị trường mạnh mẽ để loại bỏ hoàn toàn những bộ phim nhảm nhí và tạo cơ hội cho những nhà làm phim có tài thực sự.

Điện ảnh Việt vẫn còn rất nhiều cơ hội và tỷ lệ nội địa hóa phim Việt vẫn chưa đến mức đáng báo động khi khán giả Việt vẫn dành nhiều ưu ái cho phim Việt nếu những bộ phim này có chất lượng khá tốt và đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người xem.

Để một đồng tiền đầu tư vào điện ảnh trở thành đồng tiền khôn (và sinh lãi) là điều không dễ dàng, nhưng không phải là không làm được.

Lê Hồng Lâm
Đồ họa: Châu Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/that-bai-va-scandal-tinh-ai-bua-vay-phim-viet-nam-2018-nhu-the-nao-post901327.html