Thất bại mới của Mỹ ở Trung Đông

Chính sách Syria của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị giáng một đòn mạnh nhất khi Liên đoàn Arập hoan nghênh sự trở lại của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất chấp sự phản đối của Washington.

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad (trái) gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed trong chuyến thăm chính thức đến UAE. Ảnh: WAM

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad (trái) gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed trong chuyến thăm chính thức đến UAE. Ảnh: WAM

Ông Assad đã tham dự hội nghị thường niên ở Saudi Arabia lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), sự trở lại này mang theo thông điệp rằng Mỹ nên chấm dứt sự hiện diện quân sự và các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Trong thời gian gần đây, một loạt sự kiện ở Trung Đông đã diễn ra liên quan đến Syria. Ngày 18/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã gặp ông Assad và Liên đoàn Arập tuyên bố sự trở lại của Syria vào ngày 7/5. Ba ngày sau, Vua Salman của Saudi Arabia đã mời nhà lãnh đạo Syria tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực sắp tới tại Jeddah.

Damascus coi việc khôi phục quan hệ ngoại giao trên là một chiến thắng cho Syria và các quốc gia khác trong khu vực. “Syria cho rằng các xu hướng và tương tác tích cực đang diễn ra trong khu vực là vì lợi ích của tất cả các quốc gia và góp phần khôi phục an ninh và ổn định cho khu vực”, phái bộ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố.

“Syria đã tương tác một cách xây dựng, dựa trên niềm tin vào đối thoại, ngoại giao và hành động chung, cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt nhất với các quốc gia khác”, tuyên bố nêu rõ.

Khi nói đến chính sách của Mỹ, tuyên bố nhấn mạnh: "Về mặt quân sự, chính quyền Mỹ phải từ bỏ các chính sách thù địch đối với Syria, bắt đầu rút lực lượng khỏi lãnh thổ Syria và ngừng hỗ trợ các lực lượng phiến quân và khủng bố một cách bất hợp pháp".

Theo phái bộ Syria tại LHQ, cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát mà người Mỹ đang phải gánh chịu "đòi hỏi họ phải ngừng lãng phí tiền thuế của người dân vào việc thiết lập các căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Syria dưới những cái cớ đã được chứng minh là sai lầm, chẳng hạn như bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ ở nơi cách xa hàng nghìn km”.

Đối với vấn đề kinh tế của Syria, phái bộ Syria khẳng định rằng “chính quyền Mỹ cũng nên bắt đầu dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế, áp đặt đơn phương đối với Syria, vốn là trở ngại lớn nhất đối với việc cải thiện điều kiện sống và nhân đạo, cũng cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện, nước và chăm sóc sức khỏe”.

Về phần mình, Washington đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc bình thường hóa quan hệ nào với Syria, trích dẫn một hồ sơ dài về các cáo buộc "vi phạm nhân quyền và sử dụng vũ khí hóa học".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản ứng với những diễn biến gần đây khi nói trong một cuộc họp báo rằng “chúng tôi không tin rằng Syria xứng đáng được gia nhập lại Liên đoàn Arập”.

Đầu tháng này, chỉ hơn một tuần trước khi Syria khôi phục tư cách thành viên Liên đoàn Arập, các nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập, Iraq, Jordan, Saudi Arabia và Syria đã tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Amman, thủ đô của Jordan, kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra, trong đó họ kêu gọi chấm dứt can thiệp ngoại giao và quay trở lại sự kiểm soát của chính phủ trên khắp Syria.

Trong khi đó, Nga và Iran, cả hai đều đã nhiều lần kêu gọi Mỹ rút quân ngay lập tức, cũng đã tăng cường quan hệ đối tác với Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp ông Assad tại Moskva vào tháng 3 năm nay, vài ngày sau thỏa thuận Iran-Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian, và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Damascus kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào đầu tháng này.

“Cánh cửa của Syria sẽ vẫn mở cho những ai tin tưởng vào đối thoại, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ", phái bộ Syria tại LHQ kết luận.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/that-bai-moi-cua-my-o-trung-dong-20230524112200599.htm