Thất bại ê chề ở LHQ, Mỹ vẫn quyết trừng phạt Iran

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, sau khi Hội đồng Bảo an bác dự thảo nghị quyết của Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 14/8 đã bác bỏ nghị quyết do Mỹ đề xuất về việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vốn sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo quy định.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, nghị quyết của Mỹ chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 11 phiếu trắng.

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran nói trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới, theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (gồm năm nước thành viên Hội đồng Bảo an và Đức) năm 2015.

Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các trừng phạt chống Iran, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước cũng như trong khu vực.

Trong tuyên bố ngay trước khi Hội đồng Bảo an chính thức công bố kết quả bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ thất vọng trước kết quả trên.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien cho biết: "Mỹ sẽ sử dụng các công cụ khác, sẽ áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn tại Liên hợp quốc". Ông cảnh báo các lệnh trừng phạt trước năm 2015 "sẽ có hiệu lực trở lại".

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft thì cho biết Washington có "mọi quyền để khởi xướng" cơ chế "phục hồi" và nói thêm: "Trong những ngày tới, Mỹ sẽ thực hiện lời hứa, không dừng lại ở đó mà còn mở rộng lệnh cấm vận vũ khí".

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ kết thúc vào ngày 18/10. Ảnh: AP

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ kết thúc vào ngày 18/10. Ảnh: AP

Ngày 15/8, tại cuộc họp báo ở thị trấn Bedminster, New Jersey, Tổng thống Donald Trump cũng cho hay ông sẽ tìm cách áp đặt trở lại lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, sau khi Hội đồng Bảo an bác bỏ việc Washington cố kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Hồi giáo này.

Ông Trump nhấn mạnh sẽ khôi phục lại lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra các động thái tiếp theo vào tuần tới.

Trong một phát biểu, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân cho biết Mỹ không còn là một bên tham gia JCPOA, vì vậy không đủ tư cách đề nghị Hội đồng Bảo an tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran từng thông qua trước năm 2015. Theo ông, đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng ý định của Mỹ không có cơ sở pháp lý.

Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức cũng bày tỏ sẽ không ủng hộ các nỗ lực đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran.

Trong khi đó, Ilan Goldenberg, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng, Mỹ hiểu lệnh cấm vận sẽ không được gia hạn, nhưng đây sẽ là động lực để Mỹ tìm cách kích hoạt điều khoản về khôi phục cấm vận tức thời và phá hủy những gì còn lại của JCPOA. Mỹ muốn ngăn chặn hoàn toàn việc Iran mua sắm những vũ khí tối tân sau khi kết thúc lệnh cấm vận.

Các quan chức Mỹ chỉ ra, Mỹ sẽ sử dụng nguyên tắc "phục hồi" hoặc "tự động khôi phục các lệnh trừng phạt" được quy định trong Nghị quyết 2231. Điều này có nghĩa là, nếu Iran vi phạm bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận, cơ chế này sẽ cho phép bất kỳ bên nào ký kết thỏa thuận hạt nhân được phép gửi khiếu nại lên Liên hợp quốc. Sau đó, Liên hợp quốc sẽ bắt đầu cuộc điều tra kéo dài 30 ngày và sẽ đưa ra quyết định khi kết thúc điều tra. Nhưng một khi bên khiếu nại không công nhận kết quả điều tra của Liên hợp quốc, nguyên tắc “phục hồi” có thể được áp dụng mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an.

Theo thỏa thuận JCPOA, Iran đồng ý giới hạn chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy các biện pháp trừng phạt và các lợi ích khác. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương, Tehran đã giảm thiểu việc tuân thủ các phần của hiệp định. Các nhà ngoại giao nhận định, việc kích hoạt điều khoản "phục hồi" sẽ khiến thỏa thuận mỏng manh này gặp rủi ro hơn nữa vì Iran sẽ mất động lực chính để hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình.

Các đồng minh châu Âu cho rằng một "cú lùi" có nguy cơ đẩy hội đồng vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất từng có.

Đại sứ Liên hợp quốc của Iran Majid Takht Ravanchi cũng đã cảnh báo Washington không nên cố gắng kích hoạt trở lại các lệnh trừng phạt.

"Việc áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt hoặc hạn chế nào đối với Iran của Hội đồng Bảo an sẽ bị Iran đáp ứng nghiêm khắc và các lựa chọn của chúng tôi không bị giới hạn. Hoa Kỳ và bất kỳ tổ chức nào hỗ trợ hoặc chấp nhận hành vi bất hợp pháp sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Ravanchi nói trong một tuyên bố.

Richard Gowan, một chuyên gia của Liên hợp quốc tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói: “Thực tế là tất cả mọi người tại Liên hợp quốc đều tin rằng nghị quyết kéo dài lệnh cấm vũ khí đối với Iran chỉ là bước dạo đầu cho nỗ lực của Mỹ nhằm kích hoạt phản ứng nhanh và đánh chìm thỏa thuận hạt nhân Iran”.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức tổ chức một hội nghị về Iran nhằm tránh leo thang căng thẳng tại vùng Vịnh.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức và Iran nên tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bởi "đó là một vấn đề cấp bách".

Ngoài ra, ông Putin cũng nhận định các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an về vấn đề Iran đang ngày càng trở nên căng thẳng, đồng thời cho rằng Tehran đang là mục tiêu của "những cáo buộc vô căn cứ”.

Tuy nhiên, ngày 15/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Iran do Tổng thống Putin đề xuất.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/that-bai-e-che-o-lhq-my-van-quyet-trung-phat-iran-3416371/