Thất bại của U23 Việt Nam: Đừng tự biến mình thành hổ giấy

Trên các diễn đàn bóng đá, người Thái gọi bóng đá Việt Nam chỉ là 'hổ giấy'. Xem ra, họ nói cũng không hoàn toàn sai.

Dễ dàng đánh bại U23 Myanmar với tỉ số 4-0, U23 Việt Nam được kỳ vọng tiến vào gặp U23 Thái Lan trong trận chung kết M150 Cup. Bất chấp tỉ số chênh lệch đó, người Thái trên các diễn đàn bóng đá khẳng định các lứa tuyển của U23 Việt Nam chỉ là “hổ giấy”, có thể đánh bại các đối thủ chiếu dưới một cách hoành tráng nhưng khi gặp những đội bằng hoặc trên cơ, thường thu về những kết quả bất lợi theo cách cay đắng nhất.

U23 Việt Nam tiếp tục bộc lộ điểm yếu về bản lĩnh tại M-150 Cup.

Trận thua U23 Uzbekistan chỉ ra thực trạng đáng buồn rằng người Thái… nói đúng. U23 Việt Nam nói riêng hay các lứa tuyển của ta thường thử kêu đốt xịt, nghĩa là những màn khởi đầu thì rất ấn tượng nhưng đến thời điểm quyết định lại gây thất vọng.

Chẳng nói đâu xa chỉ cách đây vài tháng thôi, U22 Việt Nam gây thất vọng tràn trề tại SEA Games 29. U22 Việt Nam dễ dàng đánh bại các đối thủ như Timor Leste, Campuchia hay Philippines với cách biệt tỉ số lớn. Đến hai trận cầu quyết định gặp Indonesia, Công Phượng và các đồng đội gây thất vọng tràn trề để rồi dừng bước ngay từ vòng bảng.

Tại U18 Đông Nam Á, U18 Việt Nam tiếp tục tái diễn tình cảnh tương tự khi “hủy diệt” các đối thủ như Brunei, Philippines hay Indonesia rồi thua trận quyết định trước U18 Myanmar, qua đó về nước từ vòng bảng. U16 Việt Nam tại vòng loại U16 châu Á 2018 cũng rơi vào tình trạng tương tự khi thắng to Campuchia rồi Mông Cổ, sau đó thua Australia ở trận quyết định nhưng giành quyền tiến vào VCK nhờ xét đội nhì bảng có thành tích tốt.

Những thành tích đáng buồn đó khiến các nền bóng đá trong khu vực không hoàn toàn coi trọng những lứa tuyển của Việt Nam. Vấn đề nằm ở đâu?

Bóng đá Việt Nam những năm qua vẫn chật vật với bài toán đi tìm bản sắc cho đội tuyển. Những năm gần đây, lối chơi bóng ngắn dựa trên kỹ thuật cá nhân được cho là phù hợp với “thể trạng” của người Việt. Thể trạng là cái gì? Rốt cuộc chỉ là một thứ chung chung chỉ đo lường bằng… cảm tính.

Cách chơi cầm bóng, kiểm soát thế trận ấy có thể giúp các lứa tuyển Việt Nam chơi tưng bừng trước những đội yếu hơn. Nhưng đến khi gặp đội ngang cơ hoặc mạnh, các cầu thủ không thể triển khai cách chơi quen thuộc để rồi thu về những kết quả thất vọng, cùng màn trình diễn trên sân cũng để lại nỗi thất vọng không kém.

Các cầu thủ U23 Việt Nam trước đó cũng từng nếm trải thất bại ở SEA Games 29.

Nhìn ra thế giới, hiếm khi có nơi nào phát triển bóng đá… ngược như Việt Nam. Những đội bóng yếu thường chơi phòng ngự phản công, mà Iceland tại Euro 2016 là một ví dụ điển hình. Thế nhưng bóng đá Việt Nam chưa mạnh nhưng đang hướng theo lối chơi kiểm soát bóng. Và khi gặp những đội mạnh hơn, điều này chẳng khác nào… tự sát.

Có một thực tế rằng U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn trước kia giành quyền dự U20 World Cup 2017 bằng lối chơi phòng ngự phản công. Bóng đá Việt Nam chưa mạnh sao mãi theo đuổi cách chơi của những nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Hãy nhìn vào thực tại rằng bóng đá Việt Nam chỉ là chú mèo nhỏ khi bước ra đấu trường châu lục hay thế giới, thay vì huyễn hoặc mình là chú hổ bằng cách so sánh với mặt bằng chung Đông Nam Á.

Nguồn Bóng Đá 24H: http://bongda24h.vn/dtqg/u23-viet-nam-that-bai-dung-tu-bien-minh-thanh-ho-giay-292-175350.html