Thất bại của thiên tài có chỉ số IQ cao hơn Einstein

Chỉ số IQ của Christopher Langan là 195, trong khi người thường khoảng 100 và Einstein là 150.

Cuốn Những kẻ xuất chúng ( Outlier - Malcolm Gladwell) sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời về con đường thành công. Trong sách, tác giả phân tích về xã hội, văn hóa và đề cập thế hệ của những nhân vật kiệt xuất như Bill Gates, The Beatles và Mozart, bên cạnh những thất bại đáng kinh ngạc của một số người có tiềm năng lớn khác.

Được sự đồng ý của Alpha Books, đơn vị giữ bản quyền,Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Có chỉ số IQ lên tới 195, điều gì đã ngăn cản Christopher Langan (Chris Langan, người Mỹ) trở thành huyền thoại xuất chúng giống như Einstein? Câu chuyện của Chris Langan nói lên điều gì với chúng ta?

Thiên tài cũng gặp áp lực

Những lời giải thích đau lòng của anh, giống như chính câu chuyện, cũng có đôi phần lạ lùng. Mẹ anh quên điền vào đơn xin trợ cấp tài chính và như thế Langan không có học bổng.

Anh gắng sức chuyển giờ học buổi sáng sang buổi chiều, một việc mà mọi sinh viên vẫn làm hàng ngày, nhưng bị từ chối. Và tại sao các giáo viên của Langan ở Reed và Montana lại cư xử khắt khe như thế với cảnh ngộ khốn khổ của anh?

Giáo viên thông thường rất hứng thú với những bộ não thông minh xuất sắc như anh. Langan nói về việc phải đối mặt với trường Reed và Montana như thể các trường đó là kiểu bộ máy quan liêu cồng kềnh và cứng nhắc.

Nhưng, các trường cao đẳng, đặc biệt là trường cao đẳng nghệ thuật độc lập như Reed, thường không như vậy. Thậm chí, các giáo viên ở đó còn thường gây dựng các khoản trợ cấp dưới danh nghĩa giúp đỡ ai đó ở lại trường học.

Khi Langan kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời anh, tôi không thể tránh khỏi việc nghĩ về cuộc đời của Robert Oppenheimer, nhà vật lý trứ danh đi đầu trong nỗ lực của nước Mỹ nhằm phát triển bom hạt nhân thời kỳ Thế chiến II.

 Robert Oppenheimer là nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới. Ảnh: TheAtlantic.

Robert Oppenheimer là nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới. Ảnh: TheAtlantic.

Theo những thông tin thu thập được, Oppenheimer vốn là đứa trẻ có trí não rất giống với Chris Langan. Cha mẹ ông coi cậu con trai là thiên tài. Một giáo viên của ông nhớ lại: “Cậu bé đón nhận tất cả ý tưởng mới theo cách đẹp đẽ và hoàn hảo".

Robert đã làm các thí nghiệm khoa học từ hồi lớp ba, học vật lý và hóa học hồi lớp năm. Lúc lên chín, có lần cậu đã yêu cầu mấy người anh em họ: “Hỏi em một câu bằng tiếng Latin đi rồi em sẽ trả lời bằng tiếng Hy Lạp”.

Oppenheimer vào học ở Harvard và tiếp đến là Đại học Cambridge để theo đuổi học vị tiến sĩ ngành vật lý. Ở đó, Oppenheimer, vốn đã phải tranh đấu với nỗi tuyệt vọng ám ảnh suốt cả cuộc đời, đã ngày càng nản chí.

Tài năng của ông vốn dành cho vật lý lý thuyết, và người hướng dẫn của ông - giáo sư Patrick Blackett (người sau này giành được giải Nobel vào năm 1948), đã ép Robert phải làm những công việc vật lý thực nghiệm vụn vặt, thứ Robert rất căm ghét.

Robert ngày càng trở nên bất ổn định về cảm xúc, và sau đó, trong một động thái kỳ quặc đến mức tới tận ngày nay cũng chưa có ai hiểu thấu đáo, Oppenheimer đã lấy một ít hóa chất ở phòng thí nghiệm rồi tìm cách đầu độc thầy giáo hướng dẫn.

Rất may mắn là Blackett phát hiện điều gì đó bất thường nên đã thông báo cho trường. Oppenheimer bị gọi lên quở trách. Điều xảy ra sau đó cũng hoang đường chẳng kém gì so với bản thân âm mưu tội ác.

Dưới đây là những tình tiết liên quan được miêu tả trong cuốn sách American Prometheus (tạm dịch: Promethe của nước Mỹ) - cuốn tiểu sử Oppenheimer của hai tác giả Kai Bird và Martin Sherwin:

"Sau những cuộc đàm phán kéo dài, người ta đồng tình rằng Robert sẽ phải chịu quản chế và có những cuộc tiếp xúc thường xuyên theo một liệu trình điều trị tâm lý với một chuyên gia tâm thần học trứ danh phố Harley ở London".

Bị quản chế?

Ở đây, chúng ta có hai sinh viên trẻ tuổi cực kỳ thông minh, mỗi người đều vướng vào một rắc rối nào đó khiến cho sự nghiệp học hành của họ gián đoạn. Mẹ của Langan thì quên nộp đơn xin hỗ trợ tài chính cho anh. Còn Oppenheimer thì tìm cách đầu độc thầy giáo hướng dẫn.

Để có thể học tiếp, họ bị yêu cầu phải giải thích trước những người có thẩm quyền. Nhưng điều gì xảy ra? Langan bị tước mất học bổng, còn Oppenheimer bị gửi đến bác sĩ tâm lý. Oppenheimer và Langan có thể đều là thiên tài, nhưng xét về những khía cạnh còn lại, họ khác xa nhau.

Liệu có phải là kỳ tích khi Oppenheimer đã xuất sắc vượt qua những thử thách trong cuộc đời mình? Nếu bạn có sẵn một người cha thành công trong thế giới kinh doanh, đến lượt bạn sẽ biết phải đàm phán thế nào để thoát ra khỏi một tình huống khó khăn.

Nếu học vật lý tại Đại học Harvard, bạn sẽ biết phải làm thế nào để trò chuyện với một vị tướng đã từng học ngành cơ khí ngay tại trường MIT.

Chris Langan thì hoàn toàn trái ngược, chỉ biết tới sự ảm đạm ở Bozeman, một mái nhà độc đoán và gia trưởng dưới tay một người cha dượng giận dữ và say khướt.

“(Jack) Langan độc đoán và hành hạ tất cả chúng tôi”, Mark nói., “Mỗi chúng tôi đều nuôi lòng oán giận sự độc đoán đó.”

Đó chính là bài học mà Langan có được từ tuổi thơ: Nghi ngờ quyền lực và tỏ ra độc lập. Langan chẳng bao giờ có được người cha người mẹ dạy anh trên đường tới phòng mạch bác sĩ xem phải tự lên tiếng ra sao hay lập luận thế nào, để đàm phán với những người có chức, có quyền.

Langan không hề có cơ hội học về quyền được làm. Anh chỉ học được sự kiềm thúc. Đó có vẻ là một điều nhỏ nhặt, nhưng lại là một bất lợi méo mó cản trở việc xác định phương hướng giữa một thế giới rộng lớn bên ngoài Bozeman.

“Tôi cũng không thể tìm được bất cứ khoản trợ cấp tài chính nào”, Mark nói tiếp. “Chúng tôi không có chút kiến thức nào, thậm chí mù tịt về quy trình. Làm thế nào để nộp đơn, các biểu mẫu giấy tờ... Đó đâu phải môi trường của chúng tôi”.

Chris Langan có chỉ số IQ cao hơn nhiều thiên tài đã thành danh của thế giới. Ảnh: Amazon.

“Nếu Chris được sinh ra trong một gia đình giàu có, nếu anh là con trai của một bác sĩ uy tín và có vị trí chủ chốt, tôi đảm bảo với bạn rằng anh đã trở thành một trong số những nhân vật mà bạn vẫn đọc thấy - một người nhận tấm bằng tiến sĩ ở tuổi 17”, cậu em tên Jeff của Chris nói.

“Chính môi trường mà bạn nhận thấy mình tồn tại trong đó quyết định điều ấy. Khó khăn với Chris là anh luôn cảm thấy quá buồn chán khi phải ngồi yên và lắng nghe giáo viên giảng dạy. Nếu ai đó nhận ra trí thông minh của anh và nếu anh xuất thân từ một gia đình coi trọng giáo dục, họ ắt sẽ giúp anh không thấy chán ngán”.

Bây giờ, Chris Langan sống trong một nông trại nuôi ngựa ở vùng nông thôn Missouri. Anh chuyển về đây vài năm trước, sau khi kết hôn. Anh giờ đã ở vào độ tuổi ngũ tuần, nhưng trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thực.

Anh có tầm vóc to khỏe, ngực vồng nở nang với bắp tay to bự, tóc chải ngược từ trán ra phía sau. Anh có một bộ ria gọn gàng màu xám và đeo kính kiểu phi công. Nếu nhìn vào mắt anh, bạn có thể thấy vẻ thông minh rừng rực trong đó.

“Tôi chưa từng đeo đuổi một nhà xuất bản danh tiếng nào, điều mà đáng ra tôi nên làm,” anh thừa nhận. “Vo ve xung quanh, đặt vấn đề với các nhà xuất bản, cố gắng tìm ra một đại diện giúp tôi xuất bản. Tôi chưa từng làm thế, và tôi cũng chẳng hứng thú gì với việc đó”.

Đó là một lời thú nhận về thất bại. Mọi trải nghiệm anh đã từng có bên ngoài trí óc của mình rút cục đều nhuốm vẻ buồn thảm. Anh hiểu mình cần phải hòa nhập với thế giới tốt hơn nữa, nhưng anh không biết phải làm thế nào.

Và không ai, không một ngôi sao ca nhạc, không một vận động viên chuyên nghiệp, không một tỷ phú phần mềm, thậm chí không có thiên tài nào, đơn thương độc mã lại có thể thành công.

Trích "Những kẻ xuất chúng"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/that-bai-cua-thien-tai-co-chi-so-iq-cao-hon-einstein-post1134280.html