Thắp ước mơ trên trang sách học trò

Dạy học trên vùng cao đã khó, lại ở điểm lẻ thì càng khó khăn vô cùng. Cũng như các xã trên đèo của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), vùng cao Phong Vân có địa hình cách trở, dân cư sinh sống thưa thớt trong những ngôi nhà thấp lè tè, nằm cheo leo trên sườn núi.

Không thể để con trẻ thất học, các điểm trường lẻ hình thành giữa bốn bề núi rừng xanh ngát. Bao năm qua, nhiều thầy cô không quản ngại vất vả miệt mài truyền dạy kiến thức, thắp lên ước mơ thoát nghèo cho học trò vùng cao.

Nhọc nhằn giáo viên cắm bản

Không phải là mùa mưa nên đường vào Suối Chạc những ngày này đỡ vất vả hơn mọi khi vì các con suối đều cạn. Gọi là cạn nhưng xe chúng tôi đi qua 7 ngầm với chừng ấy con suối vẫn có đoạn nước ngập ngang vòng bánh xe.

Hai bên đường, cây cối rậm rạp, khẳng khiu, cành lá xác xơ, thấp thoáng phía xa mấy chân ruộng lâu ngày không canh tác vì phụ thuộc hoàn toàn nước trời. Năm học này, hai cô giáo Lăng Thị Xuân (SN 1995) và Lăng Thị Dự (SN 1992) được phân công vào đây công tác có 1 lớp mầm non với 29 trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Khi chúng tôi đến các bé vừa ngủ dậy sau giấc ngủ trưa. Trong khi cô Xuân chải đầu, buộc tóc cho các bé gái thì cô Dự nhanh tay gập chăn, dọn bàn chuẩn bị bữa ăn phụ. Ánh mắt lũ trẻ sáng như sao, tò mò khi thấy chúng tôi đến lớp mang theo túi xách, máy ảnh, đồ đạc lỉnh kỉnh.

Suối Chạc có 85 hộ thì hầu hết đều là hộ nghèo, 100% thuộc dân tộc Tày. Anh Vi Văn Thịnh, có con trai là Vi Văn Huy đang học mầm non nói: “Từ khi có điểm trường, có cô giáo chăm sóc tận tình nên con trẻ không lo bị đói, chúng tôi yên tâm làm nương rẫy”. Ba năm học gần đây, Nhà nước hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng/trẻ ăn bán trú. Không có tiền thuê người nấu ăn, một trong hai cô luân phiên đảm nhận việc này.

“Nhà chồng tận xã Kim Sơn, cách trường gần 40 ki lô mét, đường vào bản vừa xa lại khó, em đi về bằng cách nào?” - tôi hỏi Xuân, cô giáo có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc buộc cao, đôi tay khéo léo đang chải đầu, buộc tóc cho các cháu. Xuân cười nói để lộ chiếc răng khểnh:

“Em vào đây dạy khi con em mới 20 tháng tuổi. Để thuận tiện cho công việc, hai mẹ con ở nhờ nhà người thân trong xã rồi em gửi con luôn nhờ họ chăm sóc; cuối tuần hai mẹ con mới dắt díu về quê”.

Vùng cao mùa này nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Cả bản chỉ có 2 giếng khơi sâu hoắm mấy chục mét nằm ở đầu và cuối bản, phục vụ sinh hoạt gần 400 nhân khẩu. Hai lần trong tuần, một trong hai người cuốc bộ đi bơm nước.

Chợ lại ở tận ngoài xã. Tuần này là phiên cô Xuân vào bếp. Lấy lương thực, thực phẩm treo đầy xe lỉnh kỉnh từ trung tâm xã về điểm trường. Không ít hôm cô trò cười ra nước mắt bởi trứng vỡ, rau thì rập nát.

Khác với giáo viên miền xuôi sau mỗi ngày lên lớp có thể tranh thủ chơi thể thao, giao lưu văn nghệ thì thầy cô cắm bản lụi cụi trồng rau trong thùng xốp để có thêm nguồn rau xanh cải thiện bữa ăn cho các cháu. Thời gian rảnh nhất ấy là lúc di chuyển trên đường.

Cũng có khi mưa gió, nước suối dâng cao nên không về được trong ngày phải ở lại bản, nhớ thương chồng con đến thắt lòng. Hiểu và thông cảm với nghề cao quý và vất vả mà các thầy cô đã chọn, mỗi người trong gia đình lặng thầm chia sẻ gánh vác việc gia đình, động viên các cô hoàn thành nhiệm vụ.

San sẻ khó khăn, ấm tình đồng nghiệp

Cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Phong Vân kể, cơ sở vật chất các điểm trường tuy đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng khang trang nhưng đời sống giáo viên vẫn còn khó khăn.

Lương và phụ cấp hằng tháng đủ để giáo viên công tác ở vùng cao bảo đảm đời sống nhưng nhiều thầy cô gia đình hoàn cảnh rất éo le. Công đoàn phát động phong trào “Mỗi giáo viên giúp đỡ một đồng nghiệp”, duy trì Quỹ Tương trợ đời sống với tổng số tiền gần 20 triệu đồng do cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp. Số tiền này cho đồng nghiệp khó khăn vay không lấy lãi. Cứ thế, đến nay có hàng chục lượt đoàn viên được tiếp sức từ nguồn hỗ trợ này (mỗi người vay từ 3 - 5 triệu đồng).

Trường hợp cô giáo Vi Thị Non (SN 1987) là một ví dụ. Nhà cô ở thôn Hả, xã Tân Sơn có 5 khẩu, mọi chi phí trông vào duy nhất đồng lương hằng tháng của cô bởi ông bà già yếu, chồng không có việc làm, con lại nhỏ. Thấy vậy, Công đoàn và Ban giám hiệu thường xuyên hỗ trợ, động viên cô tìm cách khắc phục khó khăn. Ngoài thời gian lên lớp, ngày nghỉ cô Non tranh thủ cải tạo vườn trồng bưởi, cam. Năm học này, gia đình cô Non không còn trong danh sách giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp.

Để chia sẻ khó khăn với thầy cô dạy điểm trường lẻ, Ban giám hiệu các trường tiểu học, mầm non hằng năm luôn quan tâm tặng quà động viên dịp đầu năm hay ngày tết cổ truyền. Phân công giáo viên luân phiên công tác. Chú trọng công tác động viên, thi đua khen thưởng.

Bởi vậy, đến nay các trường đều đạt chuẩn quốc gia. Riêng Trường Tiểu học Phong Vân có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; 3 năm học gần đây đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. Còn bậc mầm non là điểm sáng về chất lượng giáo dục của ngành Giáo dục Lục Ngạn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thap-uoc-mo-tren-trang-sach-hoc-tro-3908659-b.html