Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Lên non mới biết…

Ở những miền đất tưởng chừng như không thể nơi nào khắc nghiệt hơn, nhưng nơi ấy từng ngày vang lên những thanh âm đánh vần con chữ. Mỗi nét hằn trên bảng lóe sáng một ước mơ, xua sương giăng mờ núi thẳm.

Ðường đến điểm trường làng Ðê Kôn

Ðường đến điểm trường làng Ðê Kôn

Tờ mờ sáng, đường đến điểm trường làng Ðê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Giang, Gia Lai)”chuẩn” con đường đau khổ. Thầy, cô giáo đành bỏ xe giữa đường cắm cúi lội dốc, mệt bở hơi tai để đến lớp cho kịp giờ níu giữ học trò. Mùa mưa là nỗi ám ảnh các cô bao năm qua.

Bước chân không mỏi

Những dãy núi ở xã Hà Ra được bao bọc trong màn sương trắng xóa. Tờ mờ sáng, gió rít qua khe cửa, các cô giáo lục đục mang bộ quần áo bảo hộ, đi ủng để bắt đầu hành trình đến với trò nghèo làng Đê Kôn.

Con đường ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng, dốc xuống thăm thẳm với những đá hộc gồ ghề, lởm chởm. Qua lớp sương mờ, cô Lê Thị Diệu và cô Hà Thị Linh gồng tay, rồ ga, bươn lên dốc từng tí một. Tiếng thở át tiếng xe, cô Diệu nói: “Mùa khô, bụi cuốn mịt mù. Mùa mưa là cơn ác mộng, đường vừa dính vừa nhão như mỡ. Con đường này đã không ít lần các cô mắc kẹt giữa chừng, tiến thoái lưỡng nan, uất ức đến phát khóc. Gặp lúc đó, chỉ biết bỏ xe máy lại mà bò lên núi từng đoạn, rồi đi bộ vài tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường. Trời tạnh, nhờ dân chở xuống lấy xe rồi về”.

Vừa đi chúng tôi vừa thở dốc, mãi đến khi mồ hôi đẫm áo, mọi người mới ới nhau “thôi ngồi nghỉ tí rồi đi tiếp”. Cô Diệu bảo: “Đi hết con dốc này nữa, qua mấy đoạn lởm chởm đá là tới trường rồi!”. Ngoái nhìn chặng đường đã qua, mới thấy các cô bền bỉ, kiên trì, dẻo dai cỡ nào…

Gần một tiếng đồng hồ bươn qua con dốc đỏ, giữa mênh mông núi rừng, chúng tôi tự hỏi, điều gì ở mảnh đất xa xôi, buồn tẻ này giữ chân những thầy cô giáo trong suốt ngần ấy năm?.

Giữa mênh mông rừng thẳm, ngôi trường nằm gọn nơi chân núi Đê Kôn. Những đứa trẻ quần áo lấm lem lúi húi quét sân trường bằng cành cây. Chúng bất ngờ ùa ra vây lấy cô giáo ríu rít chào hỏi. Những cô, cậu bé với đôi mắt trong trẻo, thơ ngây, rụt rè, ngại ngùng khi thấy người lạ.

“Ở đây trẻ con sinh ra, lớn lên theo từng mùa rẫy. Cuộc sống biệt lập, chỉ giao tiếp trong làng. Vậy nên thế giới nhỏ của các em chỉ có người thân và các thầy cô giáo”, cô Diệu cho biết.

Trường Tiểu học Hà Ra số 2 có 28 học sinh thuộc 2 lớp ghép là 1 +2 và 3+4. Nhiều năm qua vì địa hình phức tạp nên nhà trường phân công chủ yếu giáo viên nam chủ nhiệm. Năm học 2018, phụ huynh mong muốn được giáo viên nữ lên dạy học để hiểu tâm lý con trẻ hơn nên cô Linh, cô Diệu tình nguyện lên đây nhận công tác.

Cô Hà Thị Linh, giáo viên điểm trường làng Đê Kôn cho biết: “Lớp học một buổi nên các giáo viên thường sáng đi chiều về. Những ngày trời mưa, chúng tôi phải gọi điện nhờ trưởng thôn thông báo cho các em đến trường muộn hơn vì mất nhiều thời gian di chuyển. Mỗi buổi phải đủ học sinh mới bắt đầu tiết học”.

Các em học sinh Ba Na quét sân trường

Cái tình của người Ba Na

Dưới cái lạnh của miền sơn cước, những nắm xôi được các giáo viên dậy sớm nấu vội vừa ăn sáng và gói lên phát cho học sinh làm ấm thêm tình người nơi chốn thâm sơn này. Những nẻo đường lạ thành quen, những điểm trường lẻ xa xôi trở nên thân thuộc. Bàn chân thầy, cô đi khắp từng nhà dân, lên từng vạt rẫy đưa học sinh đến trường.

Thầy Nguyễn Huy Ba là một trong những giáo viên cắm bản hơn chục năm tại điểm trường làng Đê Kôn tâm sự, năm 2008, thầy lên dạy ở điểm trường này. Ngày đó, xuyên rừng hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi. Trời lạnh như cắt, đường đi khó khăn, trượt ngã không biết bao lần. Lên đến nơi nhìn ngôi trường không nhận ra đó là trường. Mọi thứ xác xơ, tạm bợ.

Lúc đầu dân chưa hiểu về “cái chữ” nên đi vận động học sinh rất khó khăn. Phải nhờ những người uy tín phối hợp giải thích, dân mới chịu đưa con đến trường. Ngày đầu bỡ ngỡ cũng qua dần, thầy tập quen với nếp sống của người Ba Na trên đỉnh núi. Thầy vào làng nhiều hơn, trò chuyện với người dân nhiều hơn và thân thiết với học trò. Bất đồng về ngôn ngữ hay văn hóa dần được khắc phục.

“Người dân thấy giáo viên ăn ở thiếu thốn, vác gạo từ dưới xuôi lên, họ bảo, giáo viên cứ lên đây ở nhà dân, không phải mang gì lên. Ở đây, người dân có gạo ăn gạo, có rau rừng ăn rau rừng…không để giáo viên đói đâu. Lúc này, cảm thấy mình như con của làng. Bây giờ, về điểm trường mới, tôi vẫn trân quý cái tình của người Ba Na ở làng Đê Kôn này”, thầy Ba chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi dọc sân trường, hít hà hơi lạnh của mùa chớm khô Tây Nguyên, cô Diệu bộc bạch: “Ở nơi núi cao này, cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, đường sá cách trở. Nhìn các em thấy thương lắm. Trải qua thời gian tôi ngẫm nghĩ: Vì sao trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng người dân ở đây vẫn vui cười hạnh phúc? Đơn giản là họ bằng lòng với cuộc sống của mình và biết tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhất. Nhiều năm nay, bà con đã ý thức được tầm quan trọng khi con họ biết chữ. Có thời gian rảnh, bà con liền sang phụ dọn vệ sinh trường lớp”.

Theo cô Lê Thị Kim Quy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Ra số 2, trường có 556 học sinh, đa phần là đồng bào Ba Na. Điểm trường làng Đê Kôn nằm tách biệt trên đỉnh núi nên các giáo viên khó khăn trong việc đến trường dạy học.

Các cô ở điểm trường làng Đê Kôn chia sẻ rằng, dân bản sống tình cảm lắm. Những tình cảm chân thành đó như tiếp thêm động lực níu chân họ lại, thôi thúc họ cần làm điều gì đó để giúp nơi đây bớt khó khăn. Luôn tâm niệm như vậy, mỗi sáng thức dậy, các cô gác hết những công việc gia đình để tiếp tục sự nghiệp cõng chữ lên non. Cứ thế, mỗi năm học đến, cánh cổng điểm trường lẻ được mở đón học trò. Những đứa trẻ từ nương rẫy trở về, ríu rít gọi nhau đến lớp. (Còn nữa).

Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thap-uoc-mo-noi-rung-tham-len-non-moi-biet-1749833.tpo