Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Khát vọng dưới mái nhà sàn

Cheo leo trên đỉnh Lơ Pang hùng vĩ, ngày ngày trẻ con Ba Na bi bô đọc chữ. Những đứa trẻ ấy cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng vẫn mong được đi học để thoát khỏi nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay.

Học sinh học trong phòng học tạm

Học sinh học trong phòng học tạm

Lớp học không ánh sáng trên đỉnh mờ sương

Khi sương sớm vừa chớm tan, trên đỉnh Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai), tiếng thầy cô giáo gọi trò đi học vang khắp đỉnh đồi làng A Lao. Vần vã gần tiếng đồng hồ, thầy cô mới đón được tất cả các em tới trường bắt đầu buổi học.

Cô Lê Thị Dũng, giáo viên trường Tiểu học Lơ Pang (xã Lơ Pang) chia sẻ: “Ở đây còn nhiều em không hứng thú với chuyện học. Bởi bố mẹ chúng nghĩ sống nơi bạt ngàn núi rừng này học chữ làm gì, có làm ra hạt gạo, có đẻ ra con heo được không. Có em thấy thầy cô là chạy trốn, lần nào đi tìm cũng không gặp. Cô giáo phải nhờ mấy học trò khác giữ lại rồi ngồi nói chuyện, giảng giải cả buổi. Hôm sau cô cậu đến lớp và học hành rất chăm”.

Điểm trường làng A Lao hiện lên trong nắng sớm mai, những đứa trẻ Ba Na đen nhẻm trong bộ đồ ngắn cũn, có em khoác bộ đồ rộng thùng thình nô đùa giữa nền sân đất đỏ bụi tung mù. Em A Len (học sinh lớp 5) kéo mép áo đang mặc trên người khoe: “Đợt trước mấy cô chú về đây cho chúng em quần áo này để mặc. Em được tặng cả cái áo ấm, em cất rồi để lạnh mới mang ra mặc”.

Giọng cô Dũng hòa lẫn vào tiếng cười nói của cô cậu học trò: “Các em ở đây đi học không mặc đồng phục. Những bộ quần áo các em mặc đa phần là của đoàn tình nguyện về phát. Đây là lần thứ 2 tôi luân chuyển về điểm trường làng A Lao. Học sinh ở đây thương lắm, mùa gió về nhiều em không có một tấm áo ấm. Mong chúng cố gắng đi học lên thoát được cái nghèo bám riết bao đời nay ở làng A Lao này. Công tác ở vùng cao, chuyện thiếu thốn là hiển nhiên, nhưng có một thứ luôn đầy ắp đó là tình cảm giữa người với người luôn nồng ấm qua từng ngày, người ở A Lao quý thầy cô giáo như người thân trong nhà”.

Điểm trường làng A Lao thuộc trường Tiểu học Lơ Pang được bao quanh bởi dãy núi Lơ Pang tạo thành lòng chảo rộng, cách điểm trường chính khoảng 9 km. Điểm trường có 6 lớp với khoảng 147 học sinh, hầu hết học sinh là người Ba Na.

Ngoài 5 phòng học được xây kiên cố, có một phòng học dựng bằng các miếng tôn cũ ghép vào nhau. Giữa cái nắng ban trưa, phòng khá ngột ngạt vì không có cửa sổ. Ánh sáng phòng học là những tia sáng len lỏi chiếu qua những kẽ hở của lớp tôn. Thầy Chhơi, giáo viên lớp 2 chia sẻ: “Phòng học này được dựng lên nhiều năm nay. Mùa hè chịu cảnh oi bức. Mùa mưa phải ngồi dồn một góc tránh mưa dột, mùa gió luồn qua từng khe hở ùa vào lớp lạnh buốt. Học sinh ở phòng này thiệt thòi hơn các phòng khác”.

Thanh xuân nơi vùng cao

Trên đỉnh đồi này, sỏi đá khô cằn, ánh nắng chiếu rát và mây mù sương giăng cũng thật gần. Chúng tôi dừng bước trước ngôi nhà sàn dựa lưng vào sườn núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát. Bên bậu cửa nhà, người phụ nữ Ba Na và một đứa trẻ đang cùng đọc chữ cái. Gió lạnh thổi thốc từng cơn, sau khi thì thầm cùng cô giáo, người phụ nữ Ba Na kể bằng tiếng kinh lơ lớ, ngày ấy gia đình nào cũng khó khăn nên bố mẹ không cho con đi học. Bây giờ, hầu hết trẻ em ở làng trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Chúng đã biết đến manh áo mới và được no cái bụng…thế nhưng không phải tất cả đều được như vậy, nhiều trẻ nhỏ trong làng phải chịu thiệt thòi, bố mẹ gửi cho ông bà để đi mưu sinh kiếm sống.

Thầy Chhơi rửa tay cho các em học sinh trước khi bắt đầu buổi học

Chẳng thế mà với họ, nắng có gắt, trời có lạnh, mưa có nặng hạt thì tất cả cũng là nguồn sống không thể thiếu. Có một điều đặc biệt, bà con ở làng chẳng mấy ai tính bình quân một năm họ thu nhập được bao nhiêu, bởi họ nuôi trồng gì cũng là nhỏ lẻ nên không ghi chép làm gì. Với họ, có cái ăn, cái mặc, cuộc sống no đủ đã là điều lớn lao rồi.

Người phụ nữ Ba Na cười bẽn lẽn tiếp: “Những năm gần đây, bà con dần ổn định, con cái được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Lúc cô giáo mới lên chúng tôi không nói chuyện với nhau đâu. Rồi cô giáo đi vào làng chơi, cô tập nói tiếng Ba Na. Chúng tôi quý cô giáo lắm, vì cô giáo dạy chữ cho con chúng tôi. Cô giáo yêu thương tụi trẻ. Ở trên này lạnh cô đi xin áo ấm, xin tập vở cho tụi nhỏ. Thỉnh thoảng bà con hái được bó rau rừng hay cây măng mang tặng cô giáo”.

Từ xa, lấp ló sau đám cỏ dại, dáng người nhỏ nhắn của vài ba đứa trẻ len qua con dốc. Những đôi dép nứt nẻ, rãnh xẻ sâu, tòe đế, ố màu được đặt dưới những bàn chân tí hon dính đất, cáu bẩn. Từ những đôi chân trần quanh cánh đồng, con suối gần nhà, những đôi chân được trang bị dép tổ ong là một bước trưởng thành trên con đường mới để kiếm con chữ.

Cô Dũng cho biết: “Những đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi đã phải lên nương rẫy, trông em, lo việc gia đình…buổi sáng thường xuyên nhịn đói đến lớp, buổi chiều phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, cuộc sống của các em không có nhiều niềm vui, hội hè như trẻ em miền xuôi”.

Chiều muộn trên đỉnh đồi làng A Lao thật thanh bình, những mái nhà đặc trưng của người Ba Na đã bắt đầu phảng phất khói bếp. Chúng tôi rời làng, lời tâm sự của thầy cô như còn ngưng đọng: “Tuổi thơ những đứa trẻ vùng núi bị đánh cắp bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa là cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình khó khăn, nên giấc mơ của các em cũng trở nên giản dị, mộc mạc hơn bao giờ hết. Chúng chỉ mong tiếp tục được đi học, để thoát khỏi nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay”.

Cô Vũ Thị Hợi, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lơ Pang chia sẻ: “Các em học sinh ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giáo viên và nhà trường luôn cố gắng dạy học, xin quần áo, sách vở giày dép cho các em; vận động cha mẹ cho các em đi học. Nhờ đó mà tỷ lệ duy trì sĩ số của trường đạt hơn 90%. Trường bây giờ có một thư viện được đoàn tình nguyện về dựng lên. Bên trong có nhiều sách báo, truyện tranh để các em có thêm một sân chơi mới trong giờ ra chơi”.

Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thap-uoc-mo-noi-rung-tham-khat-vong-duoi-mai-nha-san-1750475.tpo