Thấp thỏm trong vùng sạt lở

Hàng năm, cứ vào mùa mưa bão, hàng chục hộ gia đình ở đội 1, thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa, H. Tuy Phước (Bình Định) và H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) lại thấp thỏm lo lắng bởi sự xâm thực đê, vách núi, bờ sông sạt lở..., đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Hàng năm, cứ vào mùa mưa bão, hàng chục hộ gia đình ở đội 1, thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa, H. Tuy Phước (Bình Định) và H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) lại thấp thỏm lo lắng bởi sự xâm thực đê, vách núi, bờ sông sạt lở..., đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Sạt lở nghiêm trọng tại sườn núi thuộc xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi.

Sạt lở nghiêm trọng tại sườn núi thuộc xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi.

Đê bị xâm thực

Tuyến đê tại đội 1, thôn Tân Mỹ (xã Phước Hòa) nằm ở bờ bắc hạ lưu cầu Tân Mỹ, thuộc hệ thống đê sông Gò Bồi, có chiều dài gần 1km. Hiện tuyến đê chưa được đầu tư xây dựng kè bê- tông kiên cố nên thường xuyên bị nước sông xâm thực. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ khi nước sông chảy siết, tình trạng sạt lở đất dọc đê càng nghiêm trọng.

Khoảng từ năm 2016 đến nay, một đoạn đê dài gần 100m liên tục bị nước sông khoét sâu, tạo ra nhiều hàm ếch. Mỗi khi trời mưa, nước sông dâng cao và chảy xiết, từng mảng đất lớn trên bờ đê đổ ập xuống lòng sông; kéo theo các bụi tre được người dân trồng ven đê để đe chắn, giữ đất. Vị trí sạt lở đất ngày càng ăn sâu vào trong, một số nơi chỉ còn cách đường bê-tông liên thôn từ 2m - 3m. Thực trạng này khiến nhiều gia đình sống lân cận đê rất lo lắng.

Bà Lê Thị Thu, trú thôn Tân Mỹ, tâm tư: "Mỗi khi trời mưa to gió lớn, gần 20 gia đình có nhà gần đê Tân Mỹ lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì sợ nước làm vỡ đê, đe dọa tính mạng và tài sản của bà con. Những đêm nước sông dâng cao, người dân không thể ngủ yên và luôn chuẩn bị tâm thế di tản để bảo toàn tài sản, tính mạng. Người dân chúng tôi mong các cấp, các ngành sớm đầu tư kinh phí, xây dựng bê-tông kiên cố tuyến đê để được ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, làm ăn".

Ông Huỳnh Thanh Vương- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Tuyến đê bờ bắc hạ lưu cầu Tân Mỹ kết cấu bằng đất, phía trên trồng cây (chủ yếu là tre) để giữ đất. Trong khi đó, ở vị trí 2 đầu đê sông Gò Bồi đã được xây dựng kè bê-tông kiên cố; khiến đoạn đê bờ Bắc hạ lưu cầu Tân Mỹ thường xuyên bị nước sông khoét vào, gây xâm thực, sạt lở đất.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhâm- Chủ tịch UBND xã Phước Hòa: "UBND xã đã khảo sát, lên phương án xử lý, gia cố hàn khẩu tạm đoạn đê bị sạt lở nặng. Tuy nhiên, khu vực này nước rất sâu, đê lại sạt lở một đoạn khá dài nên việc gia cố gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả. Để đảm bảo hiệu quả, an toàn dài lâu, UBND H. Tuy Phước cần xem xét, đầu tư kinh phí xây dựng kè bê-tông kiên cố tuyến đê bờ Bắc hạ lưu cầu Tân Mỹ".

Sạt lở đe dọa người dân

Cứ qua một mùa mưa lũ những "hố tử thần" lại xuất hiện do sạt lớn, trượt dài gần sát khu dân cư, đã không còn xa lạ với người dân tại xã Sơn Liên, H. Sơn Tây, (Quảng Ngãi). Thậm chí, ngay cả ở khu tái định cư, sạt lở vẫn bủa vây, các hộ dân lại tiếp tục di dời lên vùng đồi cao để sinh sống. Tuy nhiên, nơi đây cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng, có những ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi gần trăm mét. "Ở đây lo lắng về sạt lở nhiều lắm. Năm ngoái sạt gần sau nhà rồi, năm nay sạt chắc tới nhà luôn. Vào mùa mưa mình biết nhà mình bị sạt lở thì phải dọn dẹp đồ đạc tới ở nhờ nhà mấy anh chị trong xóm", anh Đinh Văn Nhung, người dân địa phương chia sẻ.

Không chỉ đối mặt với sạt lở, những người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn như thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, đường đèo dốc đi lại rất vất vả, còn chưa kể nguy cơ sạt lở núi vùi lấp đường, hay những tảng đá lớn trên vách núi cao như thế này có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng người đi đường và người dân trồng rừng ở khu vực này. Ông Phan Huỳnh Sơn- Chủ tịch UBND xã Sơn Liên (H. Sơn Tây) cho biết thêm: "Tuyến đường chính từ trụ sở UBND xã đến trung tâm huyện có rất nhiều điểm sạt lở, trên dưới 10 điểm. Với những điểm sạt lở nhỏ thì có thể huy động người dân khai thông được, còn những điểm lớn thì trong mùa mưa sắp tới có nguy cơ bị sạt lở lại". Khi đề cập về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Lâm Văn Anh, Phó phòng NN & PTNT H. Sơn Tây cho biết: "Những điểm sạt lở nguy hiểm, UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chức năng xây dựng những biển báo để người dân nắm được và kịp thời di dời dân đến nơi an toàn".

Đứng trước tình trạng người dân sống bất an trong vùng đê và bờ sông sạt lở vì không đủ ngân sách cho việc xây dựng các khu tái định cư, hay xây dựng những công trình kè chống sạt lở, chính quyền địa phương chỉ biết kêu gọi, cảnh báo các hộ dân di dời tạm thời đến nơi an toàn. Và người dân vẫn thấp thỏm, lo lắng, sống chung với sạt lở mỗi khi nghe tin báo bão.

DƯƠNG MINH - TRUNG THÀNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_195792_thap-thom-trong-vung-sat-lo.aspx