Thấp thỏm sống dưới chân núi lở

Hàng chục hộ dân ở H.Tiên Phước (Quảng Nam) đang sống trong lo sợ khi đỉnh núi Rẫy Tranh Lớn phía sau nhà xuất hiện vết nứt kéo dài gần 1 km, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Nhà các hộ dân dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn - Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Trời mưa là đi lánh nạn !

Nhà nằm ngay dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn, gia đình bà Võ Thị Loan (57 tuổi) cùng hàng chục hộ khác ở thôn 1, xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước vài năm nay nơm nớp lo âu vì cứ đến mùa mưa là đất dưới chân núi lại sạt lở. Biết khu vực này nguy hiểm nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

“Nếu có một trận mưa lớn kéo dài thì chắc chắn đất đá trên núi sẽ tràn xuống, có thể vùi lấp hàng chục ngôi nhà. Lúc đó thảm họa còn lớn hơn cả trận lở núi ở Nam Trà My”, bà Loan so sánh với sự cố lở núi hồi tháng 11.2017 vùi lấp 4 ngôi nhà, làm chết 5 người.

Bà Loan kể mỗi khi trời mưa không ai dám ngủ vì phải canh chừng động tĩnh trên núi. Và cứ đến mùa mưa, mọi người lại lo vận chuyển tài sản đi lánh nạn. Nhiều ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng cũng không dám sửa chữa hay xây mới, vì nhiều lần nghe tin địa phương có chủ trương di dời dân.

“Chính quyền đã nhiều lần hứa sẽ san ủi và xây khu tái định cư (TĐC), nhưng mãi vẫn không thấy thực hiện. Trong khi chờ đợi, hàng chục hộ phải đối mặt với họa núi đè”, bà Loan bức xúc.

Ông Phạm Văn Đào (57 tuổi, ở thôn 1) nói vết nứt trên núi Rẫy Tranh Lớn xuất hiện sau trận lũ lớn năm 1999. Thời điểm đó, người dân nghe nhiều tiếng động trên đỉnh núi, đất đá ập xuống lấp nhiều ruộng vườn, vùi 1 nhà dân. Vết nứt ngày càng lan xa, rộng hơn 1 m, dài gần 1 km.

“Cứ đến mùa mưa bão, người dân chúng tôi lại phải đi tìm nơi trú ẩn. Không biết cảnh lánh nạn này bao giờ mới kết thúc. Bây giờ mọi người chỉ muốn có một nơi an cư, không phải sống trong thấp thỏm nữa”, ông Đào thở dài.

Có đất, nhưng thiếu tiền đền bù

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Dương, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, cho biết hiện thôn 1 có 36 hộ dân sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn có nguy cơ bị sạt lở, trong đó 25 hộ ở trong vùng nguy hiểm cảnh báo cần được di dời khẩn cấp. Năm 2017, xã cùng các ngành của huyện và tỉnh đã khảo sát, xác định khu vực này có nguy cơ sạt lở cao nên đã có phương án hỗ trợ kinh phí để sớm di dời. Hiện địa phương đã quy hoạch sẵn khu vực khoảng 20.000 m2, tất cả các thủ tục đã được hoàn thành, nhưng lại... chưa có kinh phí giải phóng mặt bằng.

“Đất để xây dựng khu TĐC là của người dân đang canh tác, phải có kinh phí đền bù mới xây dựng khu TĐC được. Đồng thời, nơi ở mới phải đảm bảo các điều kiện về điện, nước…, vì vậy phải cần đến 6 - 7 tỉ đồng. Với khoản kinh phí này, địa phương không có khả năng”, ông Dương nói.

Ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cũng thừa nhận địa phương gặp “chút khó khăn về nguồn vốn” dù đã lập dự án xây dựng khu TĐC. Chính quyền huyện đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục, chậm nhất trước mùa mưa 2019 sẽ có khu TĐC. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là địa phương cắt cử cán bộ túc trực để tiến hành di dời người dân dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn đến nơi an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc”, ông Hiệu thông tin thêm.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/thap-thom-song-duoi-chan-nui-lo-1008087.html