Thấp thỏm dịch tả lợn châu Phi: Dân miền Nam bán lợn 'chạy dịch'

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn không ngừng phả hơi nóng từng ngày vào thị trường thịt lợn miền Nam. Các biện pháp phòng, chống và hỗ trợ nếu không sớm và quyết liệt hơn, người dân sẽ còn tiếp tục bán tháo để 'chạy dịch'.

Lợn thịt, lợn giống... cùng giảm giá

Ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Chiểu - Giám đốc HTX Chăn nuôi và môi trường xã Gia Tân 2 là một trong những người quyết liệt kêu gọi bà con chăn nuôi cần bình tĩnh ứng phó tình hình, không nên bán tháo. Trang trại ông đang có 1.000 con lợn thịt loại hơn 100kg/con, nhưng vẫn đang chờ được giá tốt mới bán.

Tuy nhiên, dịch bệnh càng bùng phát ra nhiều điểm, nhiều tỉnh, người dân càng bất an. Không phải ai cũng giữ được đủ bình tĩnh như ông Chiểu. Không ít hộ chăn nuôi thấp thỏm như đang ngồi trên đống lửa, đã ồ ạt bán lợn để “chạy dịch”.

 Người dân cân lợn bán cho thương lái. Ảnh: Sĩ Nguyên

Người dân cân lợn bán cho thương lái. Ảnh: Sĩ Nguyên

Trong kiến nghị gửi lên các bộ ngành, Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang đề nghị thắt chặt kiểm soát liên tỉnh việc vận chuyển lợn và và và các ản phẩm từ thịt lợn, nhất là lợn đông lạnh. Chính quyền các địa phương cần có biện pháp giúp việc lưu thông, phân phối thịt lợn không bị đình trệ, không ảnh hưởng đến mãi lực thị trường. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy cần ấn định thời gian cụ thể, triển khai minh bạch và nhanh chóng sẽ giúp người có lợn bị dịch không che giấu và sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng.

Ngay tại xã Gia Tân 2, anh Đỗ Văn Thuận kể do quá thấp thỏm, anh đã bán hết 2/3 đàn lợn của mình, cả lợn nái và lợn thịt. Giờ đây cả đàn 70 nái chỉ còn 20; 300 con lợn thịt chỉ còn 100.

Theo anh Thuận, dù biết lợn chưa tới lứa (100 - 110kg/con) nhưng nhiều người vẫn cấp tốc giảm đàn bằng cách bán tháo để đối phó với dịch. “Không dám nghĩ tới chuyện mua lợn con để nuôi lứa mới nên không ít người ngưng nhập lợn con và bán luôn cả lợn nái” - anh Thuận giải thích.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, không chỉ “chạy dịch”, người dân còn đang bán “chạy giá” để tránh bớt thiệt hại nếu chẳng may dịch bệnh lây nhiễm. Từ sau tết, giá heo hơi (giá lợn hơi) liên tục theo đà đi xuống. Từ 50.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 44.000 - 45.000 đồng/kg. Chưa ai biết lúc nào đà giảm sẽ dừng lại, người chăn nuôi cũng đua nhau bán để vớt vát chi phí.

Tương tự, giá lợn giống (heo giống) cũng chẳng khá hơn. Hiện lợn giống loại dưới 20kg/con giá còn khoảng 90.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng. “Giá giảm mà bán không được vì không ai dám thả lợn nuôi thời điểm này” - ông Đoán cho hay.

Ông Nguyễn Minh Thuần - Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cho biết, tình trạng bán chạy lợn ở Tiền Giang vẫn đang tiếp diễn từ nhiều ngày qua. Ngành nông nghiệp và nhất là chính quyền các địa phương phải có giải pháp động viên người chăn nuôi không bán chạy. Biện pháp chính yếu lúc này là tăng cường quản quý an toàn sinh học chứ không phải bán chạy như vậy.

Khó ngăn chặn dịch

Tuy nhiên, ông Thuần cũng thừa nhận, cho tới giờ này mà các quyết định hỗ trợ đền bù vẫn vẫn dừng ở mức chủ trương chứ chưa có văn bản chính thức.

“Vì thế người dân càng đợi càng thêm lo, họ cứ bán chạy. Càng bán chạy, thị trường càng loạn, công tác kiểm soát dịch bệnh sẽ càng trở nên khó khống chế” - ông Thuần nhận định.

Do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi (heo hơi) trên thị trường đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với hồi tháng 2/2018. Ảnh: T.L

Sau Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mới đây, tới lượt Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang gửi kiến nghị biện pháp phòng chống DTLCP lên các cấp thuộc Bộ NNPTNT. Trong đó, hội đề nghị ban hành sớm quyết định tạm thời ngừng cấp phép vận chuyển lợn từ vùng dịch về các vùng lân cận, cũng như vào các tỉnh phía Nam.

Dù TP.HCM đã ngưng tiếp nhận lợn từ các tỉnh miền Bắc nhưng về mặt chính thức vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn nào. Đồng Nai có tổng đàn lớn, lại là cửa ngõ của khu vực phía Nam. Nếu lợn bệnh lọt qua chốt chặn này, qua TP.HCM xuống miền Tây Nam Bộ, ngành chăn nuôi cả khu vực phía Nam sẽ khốn đốn.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, việc cấm vận chuyển vào thời điểm này không dễ thực hiện. Theo công điện của Bộ NNPTNT, đối với các vùng có dịch thì việc vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, đối với các cơ sở an toàn dịch bệnh, lợn được chứng nhận âm tính DTLCP và các bệnh khác thì được vận chuyển.

Ghi nhận tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, tất cả các xe vận chuyển lợn hiện không xuất trình được giấy chứng nhận lợn âm tính với DTLCP. “Điều này cũng gây khó khăn rất lớn và gây mất thời gian đối với công tác kiểm tra của lực lượng chức năng” - ông Quang nói.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/thap-thom-dich-ta-lon-chau-phi-dan-mien-nam-ban-lon-chay-dich-964013.html