Tháp tài chính trăm tầng bỏ hoang, giấc mơ ngàn tỷ đổ vỡ

Những tháp tài chính được kỳ vọng trở thành những biểu tượng của không chỉ doanh nghiệp mà cả thành phố nơi họ xây dựng. Cuộc chơi được ví như đốt tiền mà không phải ai cũng thành công.

Tháp triệu đô bỏ hoang

Đầu tư hàng tỷ đô để xây dựng những tòa tháp mang tính biểu tượng nhưng trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng. Suy thoái kinh tế, ảnh hưởng dịch bệnh đang là những mối đe dọa đối với các chủ đầu tư văn phòng cho thuê.

Khi tòa tháp Keangnam Landmark 72 đi vào hoạt động đã đối mặt với nguồn cung văn phòng dư thừa khá lớn và phải mất nhiều thời gian cùng mức giá tốt, chủ đầu tư mới lấp đầy chỗ trống.

Không chỉ vậy, để đầu tư tòa tháp Keangnam Landmark 72 tại VIệt Nam, chủ đầu tư Keangnam Enterprises rơi vào khó khăn vì số nợ quá lớn. Tổng số nợ Keangnam vay để xây dựng tòa tháp Landmark 72 vào năm 2012 là 600 tỷ Won - tương đương 510 triệu USD.

AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỷ Won để mua lại khoản nợ này. Sau khi tiếp quản và xử lý các khoản nợ, AON Holdings sẽ nắm quyền kiểm soát tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Khối băng thập kỷ của thị trường bất động sản

Khối băng thập kỷ của thị trường bất động sản

Một dự án khác tháp tài chính của ngân hàng tại khu đô thị Ciputra cũng đã phải tái cơ cấu. Ngân hàng này ưu tiên chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án, sau đó sẽ thuê lại tháp 68 tầng làm trụ sở. Dự án này gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng nằm tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.

Cuối năm 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đối tác Singapore cũng bị ảnh hưởng, nên ngày 7/2/2008 đối tác này đã có thư ngừng hoàn toàn không trao đổi tiếp về liên doanh.

Thậm chí có dự án còn dở dang khi đang trên giấy. Câu chuyện về tòa nhà PVN Tower cao nhất Việt Nam ở Hà Nội với quy mô 102 tầng là một ví dụ. Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, PVC công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng.

Đến đầu năm 2012, lãnh đạo PVN cho biết PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower, khi thực hiện chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản. Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án này, giao UBND TP. Hà Nội xem xét, đề xuất để giao cho một chủ đầu tư khác xây dựng chung cư.

Quy mô thấp hơn, nhiều tháp văn phòng cũng đang bỏ hoang nhiều năm. Tòa tháp Vicem Tower cao 31 tầng nằm “đắp chiếu” gần 10 năm nay dù đã hoàn thành phần thô, dự án đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án...

Saigon One Tower cao thứ 3 Sài Gòn phải “đắp chiếu”, nằm chình ình giữa trung tâm thành phố gần 4 năm nay. Nguyên nhân ngừng thi công là do thiếu vốn. Dự án gồm một tòa tháp đôi 5 tầng hầm và 41 tầng cao, trong đó 6 tầng khối đế dành cho bán lẻ có diện tích 23.000 m2; khu văn phòng hạng A 34 tầng.

Cuộc đua tương lai

Các tòa nhà văn phòng cũng đang đối mặt với nguồn cung dư thừa và ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo CBRE, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến nửa cuối năm 2020 thì dự báo xấu nhất giá thuê sẽ giảm từ 8% đến 10%, trong trường hợp các công ty tiếp tục chịu thua lỗ và buộc phải yêu cầu chủ nhà giảm giá thuê.

Sự bùng phát dịch bệnh sẽ khiến nhiều khách thuê chuyển sang chế độ chờ đợi và trì hoãn các quyết định mở rộng và thay đổi văn phòng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cho nhân viên làm việc tại nhà toàn bộ hoặc chia ca theo ngày trong tuần, thu hẹp bớt mặt bằng thuê hoặc di dời ra các tòa nhà văn phòng có giá thuê thấp hơn. Một số khách thuê đã buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng.

Tháp chọc trời cuộc đua đường dài

Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể hoạt động cho thuê văn phòng và trong trường hợp kéo dài sang nửa cuối năm 2020, sẽ có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ trống.

Theo CBRE, tỷ lệ trống được dự báo sẽ cao hơn đáng kể so với dự báo được đưa ra trước đó do sẽ có thêm hơn 270.000 m2 diện tích văn phòng mới trong năm nay.

Ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế có thể kéo dài khiến cho các chủ đầu tư tháp văn phòng cần có những cân nhắc về tiến độ dự án để không rơi vào tình cảnh những tòa tháp bỏ hoang giữa đất vàng như Sài Gòn One hay tháp văn phòng của HUD,...

Sau thời gian yên ắng, cuộc đua xây dựng các tháp tài chính lại bắt đầu như dự án tháp tài chính thông minh Sunshine Empire hay tháp tài chính 108 tầng, Empire 88 Tower tại Thủ Thiêm.

Mạnh vì gạo bạo vì tiền, các chủ đầu tư đua nhau đưa ra những con số tỷ đô để đầu tư dự án thể hiện tham vọng của mình trên thị trường bất động sản. Ai cũng có cái nhìn lạc quan về siêu dự án mà họ vẽ ra nhưng để đi vào hoàn thành còn là cả hành trình dài phía trước.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/thap-tai-chinh-khoc-liet-cuoc-dua-ty-do-661711.html