Thắp sáng niềm tin nơi bản nghèo Piêng Coọc

Piêng Coọc là bản nằm sát biên giới Việt - Lào, thuộc xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - nơi định cư của đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay. Điều kiện tự nhiên, giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế nên cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn thiếu ăn trong mùa giáp hạt. Thế nhưng, điều đáng mừng là hiện nay, nhiều thanh niên ở Piêng Coọc không ngừng vươn lên trong học tập, lập nghiệp, thắp lên ngọn lửa niềm tin về sự thay đổi của bản làng vùng biên. 

Trẻ em ở Piêng Coọc đi bộ ra trung tâm xã theo học trung học cơ sở.
Ảnh: Viết Lam

Bản nghèo vì hủ tục

Piêng Coọc là một trong những bản xa nhất của xã Mai Sơn, nằm sát biên giới Việt - Lào, chưa có điện lưới quốc gia, ô tô cũng chưa vào được đến bản. Phương tiện giao thông để vào bản nhanh nhất là xe gắn máy, nhưng cũng phải chọn những ngày đẹp trời, có nắng. Hôm đó, khi chúng tôi có ý định vào Piêng Coọc từ sáng sớm thì chị Bùi Thị Lan, cán bộ văn phòng xã Mai Sơn ngăn lại và khuyên rằng, chờ nắng lên rồi hãy đi. Theo giải thích của chị Lan: "Đường vào đó rất dốc, nguy hiểm, phải chờ sương tan, đường khô mới đi được. Vào làm việc xong là phải ra ngay, nếu gặp mưa thì khó lòng ra nổi".

Nghe theo lời khuyên của cán bộ xã sở tại, chờ nắng lên, chúng tôi mới hành trình vào bản. Từ trung tâm xã, đi qua các bản làng của đồng bào Thái, thỉnh thoảng chúng tôi gặp các nhóm học sinh đi bộ ngược chiều xuống núi. Chị Lan cho biết, đó là con em của đồng bào Mông ở Piêng Coọc ra trung tâm xã theo học bậc trung học cơ sở sau ngày nghỉ cuối tuần. Càng vào sâu, con đường hẹp dần, những con suối chảy ngang đường, con dốc hiểm trở bắt đầu xuất hiện. Đây là lí do khiến Piêng Coọc gần như cách biệt với thế giới bên ngoài vào những ngày thời tiết xấu.

Sau hành trình đầy vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại địa điểm cần đến. Bản giáp biên này có 52 hộ dân, với 363 nhân khẩu đồng bào Mông sinh sống. Bản làng nằm ở đỉnh của quả đồi thoai thoải với những ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ nằm san sát nhau. Vào ban ngày, bản làng vắng vẻ vì người lớn lên nương rẫy, trong bản toàn thấy trẻ con. Do được thông báo từ trước nên Trưởng bản Piêng Coọc - ông Và Bá Giống hôm nay ở nhà đón khách.

Khi được hỏi về cuộc sống của đồng bào mình, vị Trưởng bản sinh năm 1986 cho biết: "Đồng bào Mông ta định cư ở đây từ bao đời nay. Cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc canh tác các loại cây lương thực lúa, ngô, sắn... trên nương rẫy dốc, năng suất thấp, sản lượng bấp bênh. Mặc dù bà con rất chăm chỉ làm ăn quanh năm, nhưng nhiều gia đình ở đây vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt. Chuyện học hành của con cái phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước".

Bác sĩ Và Bá Pó là niềm tự hào của người dân bản Piêng Coọc. Ảnh: Viết Lam

Bác sĩ Và Bá Pó là niềm tự hào của người dân bản Piêng Coọc. Ảnh: Viết Lam

Trong thời gian lưu lại ở Piêng Coọc, chúng tôi tranh thủ ghé thăm nhà anh Và Pá Pó, một gia đình có 3 con nhỏ. Theo gia chủ cho biết, do làm được nhiều rẫy nên các con không phải chịu cảnh thiếu cơm. Nhìn vào góc bếp, tôi thấy có đến hai nồi cơm trắng để dưới nền đất nhưng chẳng hề có thức ăn. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh Và Pá Pó giải thích: "Hai vợ chồng tui đi rẫy có khi 2-3 ngày mới về, phải nấu nhiều cơm để sẵn đó, khi nào con đói thì tự nó xúc ăn. Ở đây nhà nào chả thế!".

Cách trở, thiếu thốn đủ bề, người dân Piêng Coọc cũng thường bị dịch bệnh đe dọa... Còn nhớ, tháng 10-2014, dịch sởi đã bùng phát khiến hầu hết trẻ em ở Piêng Coọc bị nhiễm bệnh. Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo ngành y tế thành lập bệnh viện dã chiến ngay ở bản để khống chế, dập dịch. Khi được hỏi lý do vì sao bản làng mình cứ nghèo khó mãi, Trưởng bản Và Bá Giống chỉ cười: "Do bản ta ở cao, đất sản xuất ít quá, chưa có đường giao thông nên làm gì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đông con cũng là một lý do khiến cho các gia đình trong bản nghèo khó".

Tin vào sự đổi thay

Mặc dù trước mắt, cuộc sống của nhân dân ở Piêng Coọc vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ bản làng biên giới đã có những tín hiệu vui. Chi bộ Đảng cơ sở đã được thành lập ở bản với 6 đảng viên sinh hoạt có nền nếp, kịp thời chuyển tải những thông tin cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Ở đây giờ cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố điểm trường tiểu học, trường mầm non rất thuận lợi cho con em đồng bào theo học cái chữ.

Nói về chuyện học của con em mình, Trưởng bản Và Bá Giống khoe rằng: "Có trường đẹp, giáo viên về cắm bản dạy chữ, Nhà nước đãi ngộ, trẻ con trong bản khi đến độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Hiện tại, bản có 29 cháu theo học mầm non, 58 cháu học tiểu học, trung học cơ sở và 3 cháu học đại học, 2 cháu theo học trung cấp, bản không có cháu nào không được học chữ".

Nói về chuyện học hành, lập nghiệp của con em trong bản, người dân Piêng Coọc rất tự hào về bác sĩ Và Bá Pó, SN 1984, hiện là Trạm phó Trạm Y tế xã Mai Sơn. Bác sĩ trẻ vốn sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Piêng Coọc, từ nhỏ đã có ý thức học tập, vươn lên để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ quay về chữa bệnh cho đồng bào mình.

Với quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực, Pó đã vượt qua mọi khó khăn để học tập tốt. Học xong bậc trung học phổ thông, người thanh niên dân tộc Mông đã thi đậu vào trường Trung cấp Y tế Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp, Pó xin về quê công tác tại Trạm Y tế xã biên giới. Pó là một thanh niên chịu khó học tập, rèn luyện, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con.

Không bằng lòng với trình độ chuyên môn hiện có, Pó tiếp tục trau dồi nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Năm 2015, anh hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hải Phòng. Những kiến thức có được trên ghế nhà trường cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm của bản thân, giờ đây, Và Bá Pó đang tận tâm đem hết trí tuệ và sức lực của mình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã. Anh trở thành gương sáng cho bao em nhỏ ở Piêng Coọc học tập, noi theo.

Đồng bào Mông ở Piêng Coọc vẫn còn quan niệm "đông con nhiều của", trong nhà phải có con trai nối dõi mới được. Vì thế, ở đây trung bình mỗi hộ có 5 đến 6 người con. Cá biệt, gia đình anh Và Nhia Sáu có tới 15 người con. "Nhà đó ăn cơm phải hai mâm, giờ đây 5 người con đã lập gia đình rồi, trong nhà vẫn còn 10 đứa nữa. Vì thế, việc thiếu gạo ăn là điều khó tránh khỏi" - Trưởng bản Piêng Coọc khẳng định.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thap-sang-niem-tin-noi-ban-ngheo-pieng-cooc/