Thắp lửa nghệ thuật truyền thống

Giữa những ồn ào của showbiz vẫn có những nhóm nghệ sĩ lặng lẽ, bền bỉ với nghệ thuật truyền thống. Họ chụm lại, thắp lửa cho nghệ thuật truyền thống, để những tinh hoa nhạc Việt đến gần hơn với người trẻ.

Một tiết mục trong chương trình Tinh hoa nhạc Việt vừa ra mắt. Ảnh: Phạm Công Nghĩa.

Cùng trò chuyện với nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long- thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành, đồng thời là người đảm nhận vai trò diễn giải chuỗi chương trình Tinh hoa nhạc Việt vừa ra mắt số đầu tiên.

PV: Anh có lạc quan không, liệu Tinh hoa nhạc Việt có kéo được giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, khi mà lâu nay chúng ta đang “để ngỏ” họ trước quá nhiều sân chơi âm nhạc hiện đại?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Tôi luôn đặt mình ở tâm thế của sự tự tin và tinh thần lạc quan. Đã có biết bao nhiêu có khăn vất vả mà tôi cũng các đồng nghiệp trong nhóm Xẩm Hà Thành đã vượt qua và với một chương trình như thế này tôi chỉ xem là lúc gặt hái thành quả, thì tại sao lại không lạc quan được?

Tuy nhiên, lạc quan nhưng không thể chủ quan. Khi nhận lời đề nghị từ anh Trần Phúc Lộc- Phó Chủ tịch Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội- Giám đốc Cung Thanh niên Hà Nội, để thực hiện loạt chương trình này tôi và các anh chị em trong ekip phải bàn tính với nhau về nội dung nghệ thuật, nội dung thông tin sẽ cung cấp trong mỗi chương trình, và nhóm khán giả của mỗi chương trình họ đến từ đâu, thuộc lĩnh vực nào để có thể có những chương trình phù hợp nhất.

Vậy trong quá trình thực hiện, việc kéo khán giả trẻ đến với những tinh hoa của âm nhạc dân tộc có những trở ngại gì, thưa anh?

- Theo tôi, muốn giới trẻ yêu thích thì phải có thứ cung cấp cho họ, thứ cung cấp phải đủ các yếu tố, đặc biệt là sự quyến rũ của nghệ thuật thì mới đủ sức để giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên, ngay cả khi ta đã có nhiều hoạt động cung cấp cho giới trẻ thì cũng đừng có tham vọng thu hút được đại bộ phận giới trẻ hay đặt ra mấy mươi phần trăm số người trẻ sẽ đặc biệt yêu mến nghệ thuật truyền thống bởi sự đa dạng các sắc màu nghệ thuật là đặc điểm chủ đạo trong giai đoạn hiện nay, mỗi một nghệ thuật sẽ có lượng khán giả riêng, lượng khán giả này sẽ có nhu cầu và sở thích thưởng thức âm nhạc riêng.

Tôi mong rằng thông qua các hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện cũng như nhiều hoạt động của các anh chị em đồng nghiệp khác, sẽ là cơ hội để nghệ thuật này tìm được đúng nhóm đối tượng khán giả của mình; một mặt khác cũng là cơ hội để những người trẻ chưa được tiếp xúc có điều kiện tiếp xúc và hiểu hơn về vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc, thông qua đó biết đâu, sẽ đánh thức nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc truyền thống vốn ngủ quên trong tiềm thức của họ,

Các số Tinh hoa nhạc Việt tiếp theo sẽ được đổi mới thế nào để hấp dẫn giới trẻ hơn nữa?

- Chúng tôi sẽ có nhiều cách tiếp cận khán giả, có thể là một chương trình nghệ thuật tổng hợp về âm nhạc theo vùng như số 1 là khu vực phía Bắc, có thể là một chương trình tổng hợp của cả ba miền; cũng có thể là chương trình giới thiệu một nghệ thuật cụ thể; hoặc chọn giới thiệu một loại nhạc cụ trong đời sống tinh thần của người Việt; cũng có khi là nghệ thuật phổ thơ trong âm nhạc cổ truyền… Tóm lại là có rất nhiều thứ để làm và không bao giờ sợ xáo mòn đề tài bởi nghệ thuật nói chung, âm nhạc truyền thống dân tộc nói riêng là một biển cả bao la giúp chúng tôi thoải mái khai thác các đề tài.

Dưới góc độ của người nghiên cứu, lý luận âm nhạc, theo anh, những tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam liệu có thực sự hấp dẫn được giới trẻ đương thời? Và cần có những thao tác gì để những giá trị tinh túy, mang tính hồn cốt đó đến gần với đời sống đương đại, khi mà con người ta ngày một cảm thấy ít thời gian hơn, bận rộn hơn?

- Những giá trị đã được chắt lọc và tích tụ từ hàng trăm năm trong lòng dân tộc thì tại sao lại không hấp dẫn được các thế hệ đương thời nối tiếp của dân tộc chứ? Tôi có thể khẳng định là có. Nhưng để hấp dẫn được khán giả nói chung, khán giả trẻ nói riêng cần phải có những cách riêng, ví dụ như cách tôi đang làm, cung cấp những thông tin liên quan đến văn hóa, đến giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ… của mỗi nghệ thuật, mỗi bài bản cụ thể, đồng thời có biểu diễn minh họa trực tiếp luôn; như vậy sự tiếp nhận sẽ trở nên tự nhiên và sẽ “vào” hơn.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Tuy nhiên, văn hóa luôn là một dòng chảy. Chúng ta chỉ có một con sông duy nhất là văn hóa Việt phục vụ cho người Việt, nhưng dòng chảy thì sẽ liên tục thay đổi qua các thời kỳ, theo đó phù sa sẽ ngày càng được bồi đắp. Với thời đại bây giờ, âm nhạc có nguồn gốc phương Tây đang chiếm đại bộ phận đời sống tinh thần của người Việt thì đó là một giá trị mới ta không thể phủ nhận. Những giá trị truyền thống dù có thể sẽ có ảnh hưởng ít nhiều nhưng không vì thế bị mất đi, muốn giá trị truyền thống phù hợp với đời sống đương đại thì vẫn cần làm nổi bật giá trị của nó, đồng thời bồi đắp thêm “phù sa” văn hóa mang tính thời đại. Có như vậy thì nó mới phù hợp với nhóm đối tượng yêu nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hiện nay và ghi được dấu ấn thời đại này trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.

Là thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành, tham gia hoạt động thường xuyên ở chiếu xẩm trên phố đi bộ Hồ Gươm, rồi bây giờ là Tinh hoa nhạc Việt. Động lực nào giúp anh có thể thực hiện liên tiếp những dự án âm nhạc truyền thống như vậy?

- Tình yêu và niềm đam mê. Tôi có một tình yêu lớn với âm nhạc và niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, tôi phải cảm ơn gia đình lớn của mình, cảm ơn bố và mẹ cùng hai chị gái đã luôn tạo điều kiện cho tôi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc ngay từ khi tôi còn bé. Họ đã luôn sát cánh để cổ cũ tinh thần, cho tôi được một hậu phương vững chắc và thậm chí hỗ trợ cả kinh phí khi tôi cần. Thú thực nếu không có gia đình tôi sẽ không làm được điều gì cả, bởi như anh biết, nghệ thuật truyền thống mà tôi chọn và theo đuổi không phải như các nghệ sĩ giải trí, sự khó khăn về kinh tế sẽ luôn là một rào cản mà tôi biết nhiều người có đam mê nhưng đành bỏ cuộc vì điều đó.

Bên cạnh đó, tôi còn có những người bạn thực sự tâm huyết và quyết cùng nhau đi chung con đường như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Phạm Đình Dũng, nhạc sĩ Giáng Son…

Để âm nhạc truyền thống lấy lại được được vị trí xứng đáng, ngoài nỗ lực của các cá nhân, những nhóm nghệ sĩ nặng lòng với nghệ thuật truyền thống, theo anh cần có thêm sự “tiếp lửa” nào?

- Sự tiếp lửa quan trọng nhất là cần có một chính sách thật xứng đáng cho nghệ thuật truyền thống, có chiến lược giáo dục âm nhạc đề cao giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc, có những nhà lãnh đạo ngành hiểu nghề và có thể đưa ra được những quan điểm, quyết sách lúc cần thiết…

Trân trọng cảm ơn anh!

Hoàng Thu Phố(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/thap-lua-nghe-thuat-truyen-thong-tintuc421100