Thắp lửa đồ chơi truyền thống

Những ngày này, trên phố Hàng Mã (Hà Nội) bắt đầu rực rỡ sắc màu của các món đồ chơi phục vụ Tết Trung thu. Bên cạnh những đồ chơi hiện đại bắt mắt được nhập về, vẫn có thể bắt gặp các món đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn làm đèn ông sao.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn làm đèn ông sao.

Gắn bó với thiếu nhi một thời đó là những chiếc mặt nạ giấy bồi. Xưa, ở Hà Nội và các vùng phụ cận có nhiều người làm để đáp ứng như cầu thị trường nhưng nay cả khu phố cổ Hà Nội chỉ còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan giữ lửa nghề.

Theo ông Hòa, để làm một chiếc mặt nạ giấy bồi cần nhiều công đoạn. Vì thế, nghề này cần cả lòng kiên trì và yêu trẻ nữa. Mặt nạ nào cũng để trống hai con mắt, để trẻ đeo vào còn nhìn thấy được mọi vật xung quanh, vì thế, nhất thiết người vẽ phải nhìn mọi thứ bằng con mắt trẻ thơ thì nét vẽ mới hồn nhiên tươi vui, trẻ con mới yêu thích sản phẩm của mình.

Một món đồ Trung thu truyền thống khác xưa cũng được ưa chuộng là chiếc tàu thủy sắt. Tuy vậy, đến giờ Hà Nội cũng chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng ở làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Theo anh Hùng, trước đây hầu như cả làng Khương Hạ ai cũng làm các loại đồ chơi sắt tây như tàu thủy, con thỏ, con bướm… Nhưng nay, trong làng chỉ còn một mình anh giữ lửa đam mê với nghề làm đồ chơi sắt tây. Tính ra, anh Hùng đã có tới hơn 40 năm làm tàu thủy sắt tây, nhưng mỗi năm lại thấy “khó thêm” một chút, bởi ít người quan tâm, ít trẻ chơi.

“Tàu thủy sắt tây muốn bán được phải có nước, có lửa để thử tàu, khá phức tạp nên muốn bày bán không dễ dàng”- anh Hùng chia sẻ.

Cùng với mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây Tết Trung thu của thiếu nhi không thể thiếu chiếc đèn kéo quân. Giờ vẫn có thể bắt gặp những chiếc đèn này trên phố Hàng Mã. Nhưng người có thể làm được những chiếc đèn này đến nay cũng không còn nhiều. Tìm về thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) cũng chỉ còn có gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh và nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm nghề.

Theo ông Sinh, nghề làm đèn kéo quân ở Cao Viên đã có từ rất rất lâu, dễ tới trăm năm nay, được truyền qua nhiều thế hệ. Trước, khi còn thiếu thốn nhiều nguyên vật liệu, thì chiếc đèn kéo quân được làm ra từ thanh tre, thanh nứa khô, dây chỉ, giấy màu, cây nến…, rất đơn giản. Khi đèn kéo quân được làm xong, bọn trẻ háo hức đợi Tết Trung thu để được đốt đèn, rồi rước đèn từ làng trên xuống xóm dưới rất vui…

Điểm qua các món đồ chơi truyền thống gắn với Tết Trung thu của trẻ em để thấy, dù vẫn còn trong đời sống đương đại nhưng thực sự “khó sống” vì ít người quan tâm, sử dụng. Vào dịp Trung thu, người ta thường gặp các nghệ nhân như ông Quyền, như anh Hùng, hay vợ chồng ông Hòa – bà Lan ở Hoàng thành Thăng Long hay các trung tâm thương mại. Các nghệ nhân được mời đến để trình diễn, giới thiệu về chiếc tàu thủy sắt tây, chiếc mặt nạ giấy bồi hay đèn kéo quân…

Tại đây, trẻ rất thích thú với những món đồ chơi này, nhưng nhiều phụ huynh lại không sẵn lòng mua cho con bởi sự “lích kích”, thậm chí đắt tiền của nó. Vì thế, để đồ chơi truyền thống trở lại cuộc sống, trở thành món đồ chơi thân thiết của trẻ em mỗi dịp Trung thu về, thì cần có sự chung tay, tiếp lửa của ngành văn hóa. Các nghệ nhân, làng nghề cũng cần có sự cải tiến để các món đồ chơi truyền thống bắt mắt hơn, giá cả phù hợp mới có thể cạnh tranh với các món đồ chơi hiện đại…

Xuân Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thap-lua-do-choi-truyen-thong-506547.html