Thắp lên ngọn lửa đam mê Xẩm trong giới trẻ

Xẩm vốn dĩ không có nhiều chất liệu tạo hình như một số môn nghệ thuật biểu diễn khác, nhưng với mong muốn khơi gợi được hứng thú tìm hiểu về văn hóa truyền thống cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ, các nghệ sĩ đương đại đã đưa tới cho Xẩm những góc nhìn, những chấm phá độc đáo, hấp dẫn thông qua chuỗi sự kiện trải nghiệm đa giác quan Mắt Xẩm.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật hát Xẩm

Mắt Xẩm gồm nhiều hoạt động như giới thiệu âm nhạc thể nghiệm, triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt và tọa đàm chuyên môn. Trong bối cảnh không thể tập trung đông người do dịch bệnh, việc tương tác với các tác phẩm và hoạt động của dự án cũng gặp khó khăn, tuy nhiên, trong thời đại của công nghệ số, Mắt Xẩm đã được tổ chức một cách linh hoạt...

Những góc nhìn đa chiều

Từ giữa tháng 5, nhiều hoạt động như tọa đàm, trò chuyện, âm nhạc thể nghiệm… đã được triển khai trước bằng hình thức trực tuyến trên Fanpage Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương trong giai đoạn 1 của dự án. Triển lãm đa giác quan Mắt Xẩm với các tác phẩm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn được tổ chức sau khi tình hình dịch bệnh ổn định. Dự kiến không gian triển lãm gồm: Không gian chính gợi cảm hứng từ bài Xẩm Mục hạ vô nhân; Khoang tàu điện; Không gian huyền tích gợi cảm hứng từ câu chuyện của tổ nghề Hát Xẩm và Không gian Mắt Xẩm - đa diện về Xẩm được sắp đặt từ 200 chiếc sênh và cặp trống Xẩm có kích thước lớn.

Nói về ý tưởng dự án, chị Đinh Thảo, sáng lập viên Dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, đơn vị tổ chức Mắt Xẩm chia sẻ: Chèo 48h đã có những hoạt động về Xẩm từ năm 2016 đến nay như học hát, tìm hiểu kiến thức, thi hát Xẩm, giao lưu đàn hát… với sự tham gia của nhiều đối tượng công chúng. Qua những hoạt động đó, mọi người được chia sẻ cách cảm nhận, cách nhìn riêng về Xẩm. Phần lớn công chúng thường thấy Xẩm là một phương thức mưu sinh của người khiếm thị. Dù không nhìn đời bằng đôi mắt, nhưng Xẩm lại có những góc nhìn, cảm nhận khác rất thú vị. Bởi vậy, mỗi lời Xẩm là biết bao câu chuyện nhân tình thế thái, đúc kết bao lẽ sống ở đời. Vì lẽ đó, khi tìm những “đôi mắt” khác của Xẩm ngày nay, ta không thể chỉ đi tìm bằng cái nhìn thông thường mà phải đi tìm bằng mọi giác quan, nói cách khác là đa giác quan.

Từ nhận thức đó, Chèo 48h đã kết nối với những chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau để lắng nghe chia sẻ của họ về Xẩm. Mỗi chia sẻ là một góc nhìn, cách nhìn, lát cắt của công chúng hiện đại về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Một góc không gian trưng bày trong “Mắt Xẩm”

Xẩm thích ứng với đời sống

Tọa đàm trực tuyến về chủ đề Xẩm với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, người làm công tác bảo tồn, người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ… đã và đang được tổ chức, mang tới cho công chúng các góc nhìn về Xẩm trong tương quan với thích ứng văn hóa, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thị giác hay âm nhạc đương đại...

Trong đó, chương trình mở màn Hát Xẩm trong thích ứng văn hóa cung cấp một cái nhìn tương đối đầy đủ về nguồn gốc của Xẩm, sự khác biệt Xẩm xưa và nay và Xẩm đang thích ứng với đời sống hiện đại ra sao. Theo PGS. TS Kiều Trung Sơn, tác giả của cuốn sách Hát Xẩm - di sản âm nhạc và thích ứng văn hóa: “Nghệ thuật hát Xẩm có sức sống vô cùng mạnh mẽ, được tạo nên bởi những người sống vì nghề, luôn tìm cách làm mới mình cho phù hợp với thời đại. Đến nay, chủ thể sáng tạo ra nó không còn nữa, nhưng thế hệ trẻ đã biết kế thừa, phát huy hát Xẩm, biết cách tiếp nhận, tái tạo nó. Họ đã đưa hát Xẩm trở thành nghệ thuật có thể gắn với âm nhạc hiện đại, có thể gần với rap, rock. Một phần thể nghiệm rất thú vị, tiếp cận dưới góc nhìn mới của con người mới. Bên cạnh đó, phần hoài niệm cũng vẫn được lưu giữ”.

Trong tọa đàm Hát Xẩm nhìn từ nghệ thuật thị giác, kiến trúc sư Minh Đức, người tham gia vào Mắt Xẩm, tạo dựng không gian của Xẩm cho rằng: Kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, kết nối nó, không chỉ Xẩm mà các loại hình nghệ thuật khác như chầu văn, chèo cũng hướng tới. Nhưng cái khó là làm sao bạn trẻ thông qua nghệ thuật hiện đại, đưa màu sắc của Xẩm vào, tạo nên những bức tranh, âm nhạc, hình ảnh hiện đại nhưng vẫn mang dáng dấp của Xẩm...

Đồng tình với ý kiến trên, họa sĩ Yến Đỗ bày tỏ: “Xẩm không phải quá mới, trước đây tôi đã được nghe bố mẹ kể về Xẩm tàu điện. Tuy nhiên, tôi chưa có điều kiện trải nghiệm nên không cảm nhận rõ về nó. Tôi cho rằng, chúng ta đang ở hiện tại, muốn bảo tồn, phát triển thì phải đưa nó về bối cảnh đương đại, kết hợp với những thứ đang diễn ra, đặc biệt là khi loại hình nghệ thuật đã có sự đứt gãy”.

Trải qua nhiều bước thăng trầm, Xẩm đãđi qua lăng kính của nhiều thếhệvàkhông ngoại lệ, những người trẻ- chủnhân tiếp nối di sản ngày hôm nay cũng cónhững lăng kính riêng lạ… Theo nhà sưu tầm tư liệu nghệ thuật dân gian Mai Đức Thiện, những sáng tạo đưa vào Xẩm, lấy cảm hứng từ hát Xẩm có gì phảng phất truyền thống, nhưng vẫn đầy mới mẻ, các bạn trẻ thấy vừa quen vừa lạ, vừa cuốn hút, đó là thành công. Thông qua góc nhìn của thế hệ trẻ, những người đồng trang lứa cũng sẽ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về Xẩm truyền thống, Xẩm thử nghiệm. Điều này vừa là động lực cho Xẩm phát triển, vừa là công cụ sàng lọc tự nhiên để các yếu tố có giá trị được tồn tại.

“Mắt Xẩm” là chuỗi sự kiện được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018 – 2021”. Đây là dự án do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ, do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) thực hiện.

MAI ANH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/am-nhac/artmid/476/articleid/40819/thap-len-ngon-lua-dam-me-xam-trong-gioi-tre