'Thập kỷ mất mát': Nỗi tuyệt vọng tìm việc làmcủa giới trẻ Hàn Quốc

'Trong suốt 4 năm qua, tôi đã gửi hồ sơ xin việc tới hàng trăm công ty... Thế nhưng, tất cả những gì tôi nhận được chỉ là email với nội dung: Chúng tôi rất tiếc…', Jang Hyeon-seok (28 tuổi) nói.

731.000 thanh niên chia sẻ, đã từ bỏ hy vọng và nỗ lực tìm việc.

731.000 thanh niên chia sẻ, đã từ bỏ hy vọng và nỗ lực tìm việc.

Những “kẻ thất bại”

Jang Hyeon-seok tốt nghiệp đại học năm 2017. Ngay sau khi rời trường, anh không ngừng cố gắng tìm kiếm việc làm.

Hàn Quốc nổi tiếng có môi trường làm việc “giết nhân viên”. Người đi làm, đặc biệt là nhân viên mới phải chịu đựng muôn vàn “nỗi đày ải”. Ngoài bị ép tăng ca, làm thêm vào ngày nghỉ, họ còn phải chiều lòng cấp trên, tham gia các “bữa nhậu cùng đồng nghiệp” tốn kém thời gian, tiền bạc triền miên…

Trước khi ra trường, Jang cũng “nghĩ mà ngán”. Anh không bao giờ ngờ, toàn bộ những phiền phức ấy lại biến thành“mơ ước” trong suốt 4 năm và vẫn tiếp tục.

“Vào mùa hè năm 2020, tôi lần đầu tiên chạm tới ‘ước mơ’, được một công ty mới khởi nghiệp nhận làm nhân viên thực tập. Nhưng ‘giấc mơ’ thật ngắn ngủi, chỉ kéo dài có 3 tháng”, Jang buồn bã.

“Bây giờ, tôi hệt như nô lệ của tìm kiếm việc làm. Mỗi phút mỗi giây, tôi đều điên đầu suy nghĩ phải tìm việc gì và làm sao để được tuyển dụng”.

Sau khi mất chân thực tập vào năm ngoái, Jang chỉ còn nước “ăn bám gia đình: “Cứ thấy mặt tôi, cha mẹ lại cằn nhằn không dứt. Lắm lúc, tôi thật sự không muốn thò mặt ra khỏi phòng”.

Hoàn cảnh của Jang chỉ là một trong hàng trăm nghìn thanh niên thất nghiệp tại Hàn Quốc. Theo báo cáo từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) vào tháng 12/2020, đất nước này đang có 3,9 triệu lao động thất nghiệp, và phần lớn là người trẻ trong độ tuổi từ 20 - 30.

Người Hàn Quốc cực kỳ coi trọng công danh, sự nghiệp. Các bậc sinh thành sẵn sàng “chi lớn” cho con em toàn tâm toàn sức tập trung vào chuyện học hành. Trung bình, mỗi gia đình Hàn Quốc trích khoảng 10% thu nhập, đầu tư cho con em ăn học. Với giới trẻ Hàn Quốc, thất nghiệp là “bản án nặng nề”. Họ bị trách phụ công, phụ lòng cha mẹ và vô dụng. Xã hội Hàn Quốc gọi những thanh niên thất nghiệp là “kẻ thất bại”.

Giới trẻ Hàn Quốc thất nghiệp hàng loạt vì Covid-19.

Buông bỏ nỗ lực

Từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, giới trẻ Hàn Quốc đã vấp phải khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Vào cuối năm 2019, trước khi bị virus Corona tấn công, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc đã hoàn thành báo cáo khảo sát “suy nghĩ của người lao động về khả năng xin việc”. Họ nhận được kết quả, 534 nghìn người “vô cùng tuyệt vọng”, vì “không thấy có cơ hội được tuyển dụng”.

Đại dịch Covid-19 khiến mục tiêu có việc làm trở thành ước mơ xa vời. Tháng 10/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (Korea Economic Research Institute) thực hiện cuộc khảo sát trên 4.158 sinh viên và người đã tốt nghiệp. Họ nhận được kết quả: 55,5% không hy vọng tìm được việc làm, 76% thấy xin việc khó hơn năm ngoái.

“Đây là năm thứ 3 tìm kiếm việc làm của tôi kể từ khi tốt nghiệp đại học, chuyên ngành tài chính” - Nam (27 tuổi) bộc bạch - “Tôi thật sự rất chán nản. Hiện tại, tôi chỉ ước có được một công việc với đồng lương vừa đủ sống”.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19, giới trẻ Hàn Quốc thậm chí buông bỏ nỗ lực tìm kiếm việc làm. Cũng theo báo cáo cuối năm 2020 của Thống kê Hàn Quốc, số người từ 20 - 30 tuổi “chán chẳng buồn tìm việc nữa” là 731 nghìn, tăng 31% so với năm ngoái.

Giới trẻ Hàn Quốc đang mất cả thu nhập lẫn cơ hội tích lũy kinh nghiệm làm việc.

Chỉ có thể chờ

“Với các thanh niên mới lần đầu tham gia vào thị trường việc làm, thất bại tuyển dụng là cú sốc nghiêm trọng”, Joseph Han, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Institute) nhận định. “Họ không chỉ mất thu nhập mà còn mất luôn cơ hội tích lũy kinh nghiệm, ảnh hưởng tiêu cực đến con đường phát triển sự nghiệp về sau”.

Chỉ trong tháng 12/2020, Hàn Quốc có thêm 628 nghìn người mất việc làm. “Trừ nhóm người lao động từ 60 tuổi trở lên, các nhóm tuổi khác và người lao động thời vụ đều bị thiệt hại công việc”, Jeong Dong-myeong - quan chức cấp cao của Thống kê Hàn Quốc cho biết. Nhiều chuyên gia lo ngại, 2020 mới chỉ là năm đầu tiên của “thập kỷ mất mát việc làm”.

Tháng 1/2021, Hàn Quốc nhận thêm một thông báo buồn: Xuất khẩu trong 10 ngày đầu năm giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. “Thị trường việc làm sẽ không thể phục hồi trước khi cả nước miễn dịch với Covid-19”, Lee Jong-kwan, nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc dự đoán: “Mà sớm nhất cũng phải đến cuối năm nay, y tế mới đánh bại virus Corona”.

Hiện tại, chính phủ Hàn Quốc ráo riết lên và thực hiện các dự án tái tạo việc làm. Bộ Tài chính của quốc gia này tuyên bố, sẽ tiến hành tuyển dụng trên 45% nhân viên mới trong nửa đầu năm nay. Nhà nước cũng có kế hoạch tuyển dụng 830 nghìn công chức và 28 nghìn viên chức trong quý I/2021.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, bảo đảm nguồn vốn cho vay lên tới 3.000 tỷ won. Họ dự kiến, sự bảo đảm này sẽ mang tới cơ hội mở khoảng 3.000 công ty mới, tạo ra 20 nghìn công ăn việc làm vào năm 2022.

“Giữa thời gian đại dịch hoành hành, chúng ta không thể làm gì để tạo ra nhiều công ăn việc làm toàn thời gian cho giới trẻ”, Kim So-young, Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul thừa nhận.

Ngay cả khi Covid-19 được khống chế, nền kinh tế cũng chưa thể vực dậy ngay. Giới trẻ Hàn Quốc chỉ có thể làm tạm các công việc bán thời gian, chờ đại dịch đi qua và cơ hội khác đến.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/thap-ky-mat-mat-noi-tuyet-vong-tim-viec-lamcua-gioi-tre-han-quoc-LBwQ748MR.html