Tháp chuông cao nhất Việt Nam hút khách check-in ở đâu?

Ngôi chùa ở thành phố du lịch nổi tiếng này không chỉ giữ nhiều kỷ lục mà còn là điểm check-in yêu thích của giới trẻ. Bạn cũng có thể khám phá các công trình tôn giáo độc đáo sau.

1. Tháp chuông cao nhất Việt Nam nằm ở ngôi chùa nào?

Chùa Linh Ứng
Chùa Linh Phước
Chùa Phước Linh

Chùa Linh Phước cách trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 8 km. Địa điểm này là tọa độ du khách không thể bỏ qua khi đến xứ sở ngàn hoa. Trước sân chùa là tòa Linh Tháp có độ cao 37 m, gồm 7 tầng. Đây cũng là tháp chuông cao nhất ở Việt Nam. Ảnh: Kse_nia.

2. Chùa Linh Phước còn được biết với tên gọi nào?

Chùa Chén Kiểu
Chùa Sành Sứ
Chùa Ve Chai

Chùa Linh Phước còn được gọi là chùa Ve Chai bởi các công trình trong khuôn viên chùa đều được khảm bằng những mảnh chai, sành, sứ đầy màu sắc và có họa tiết độc đáo. Sân chùa nổi bật với con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai lọ. Những nét đặc sắc này đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách đến chùa hành hương. Ảnh: Guzelmaksudy.

3. Chùa Linh Phước giữ bao nhiêu kỷ lục Việt Nam?

11 kỷ lục
12 kỷ lục
13 kỷ lục

Không chỉ là chốn tâm linh, chùa Linh Phước còn là nơi giữ 11 kỷ lục Việt Nam. Bên cạnh tháp chuông, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng lớn nhất Việt Nam tại chùa như tượng Phật bằng bê tông trong nhà, tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng hoa bất tử, tượng Khổng tước vương bằng gỗ sao. Đây cũng là ngôi chùa tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất. Ngoài ra, chùa còn được công nhận với nhiều danh hiệu khác. Ảnh: Spychem.

4. Ngôi chùa nào có tháp chuông cao nhất TP.HCM?

Chùa Xá Lợi
Chùa Bửu Long
Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Xá Lợi nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Không gian nơi đây không quá rộng nhưng kiến trúc, lịch sử và nét trầm mặc khiến chùa Xá Lợi vẫn thu hút du khách. Điểm nhấn của chùa là tháp chuông cao 32 m, gồm 7 tầng, được xây dựng vào năm 1960. Trước khi tháp chuông ở chùa Linh Phước tại Đà Lạt hoàn thành, đây từng là tòa tháp chuông cao nhất Việt Nam. Hiện nay, tháp chuông này vẫn cao nhất TP.HCM. Ảnh: Cuunguyet.annhien.

5. Bức tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam ở ngôi chùa nào?

Chùa Long Sơn
Chùa Linh Sơn
Chùa Lâm Sơn

Chùa Long Sơn (hay Chùa Phật trắng) được xem là điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất Nha Trang, Khánh Hòa. Nơi đây sở hữu pho tượng Kim Thân Phật Tổ, bức tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam, được sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận. Hình ảnh bức tượng màu trắng trong tư thế tọa thiền uy nghi giữa bầu trời tạo dấu ấn với mỗi du khách đến hành hương. Ảnh: Taliyusha.

6. Ngôi chùa nào có tháp bát giác cổ cao nhất Việt Nam?

Chùa Thiền Lâm
Chùa Thiên Mụ
Chùa Phước Duyên

Chùa Thiên Mụ nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Đây là điểm check-in nổi tiếng tại Huế. Nổi bật giữa ngôi chùa là tháp Phước Duyên. Tháp có hình khối bát giác cao 21 m, gồm 7 tầng. Công trình này được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Việt Nam là tháp bát giác cổ cao nhất. Ảnh: Iammun270996.

7. Ngôi chùa nào dùng mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường?

Chùa Sà Lôn
Chùa Sà Long
Chùa Sà Lâm

Chùa Sà Lôn (hay còn gọi là chùa Chén Kiểu) tọa lạc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ngôi chùa nổi bật với những mảnh chén, đĩa sứ ốp vào các mảng tường một cách công phu khiến không gian như bức tranh nghệ thuật. Ảnh: Mai_huyen7695.

Đà Lạt buổi sớm chìm trong biển mây đẹp nao lòng Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt (Lâm Đồng) được người ta gọi là thành phố sương mù. Khoảnh khắc biển mây len qua những đồi thông buổi sớm bình yên đọng lại trong lòng lữ khách.

Khánh Vân
Tổng hợp

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thap-chuong-cao-nhat-viet-nam-hut-khach-check-in-o-dau-post1077824.html