Tháp bà Ponagar - kiến trúc Chăm cổ kính ngay thành phố Nha Trang

Trải qua hơn 1.000 năm chịu sự tác động khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như con người, cụm tháp vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc vô cùng độc đáo, thể hiện sự phát triển rực rỡ trong một giai đoạn lịch sử trên mảnh đất này.

Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc, Tháp Bà Ponagar là tên dùng để chỉ chung quần thể đền tháp tọa lạc bên bờ sông Cái, đường 2 Tháng 4. Đây là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm với kỹ thuật xây dựng thuộc giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến XIII.

Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc, Tháp Bà Ponagar là tên dùng để chỉ chung quần thể đền tháp tọa lạc bên bờ sông Cái, đường 2 Tháng 4. Đây là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm với kỹ thuật xây dựng thuộc giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến XIII.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, tháp Chính cao khoảng 23m. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của tháp Chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 – 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI.

Trên thân tháp được trang trí bằng 5 hàng trụ áp tường chạy dọc. Bốn góc mái có bốn tháp nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần về phía trên. Hệ mái của tháp được ví như ngọn núi Mêru, nơi ở của các vị thần, với năm ngọn núi mà đỉnh ở giữa cao nhất. Trên hệ mái được trang trí những linh vật như: voi, ngỗng, dê… tiêu biểu cho quan niệm tôn giáo hết sức sinh động.

Trên vòm cửa là tấm phù điêu bằng đá hình lá đề thể hiện thần Shiva với bốn cánh tay đang múa, hai bên có hai nhạc công thổi sáo, chân phải Shiva đặt trên lưng bò thần Nandin. Phù điêu có niên đại thế kỷ XI và là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm pa còn được lưu giữ ở Việt Nam.

Trong khi đó Tháp Nam cao 18m, có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở khu đền với bộ mái tương đối lạ trong quần thể kiến trúc Tháp Bà. Phần đế và thân của tháp vẫn được xây theo mô típ tháp Chăm truyền thống song phần mái được thu gọn lại thành một tầng chóp, kéo dài lên phía trên, đỉnh đặt 1 trụ linga. Tháp có niên đại thế kỷ XIII.

Ngoài ra khu đền còn có các tháp Đông Nam và Tây Bắc - là những ngôi tháp nhỏ hơn nhưng đều được trạm trổ tinh xảo.

Khu Tiền đình có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che bằng các vật liệu nhẹ. Trải qua thời gian, hiện nay không còn dấu vết mái che của Mandapa. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên.

Gạch xây tháp Chăm là gạch loại lớn (có kích thước 0,40m x 0,18m x 0,05m). Đặc điểm của gạch xây tháp là xốp, nhẹ, mềm, dễ tạo hình và không thấm nước nên hầu như không có hiện tượng rêu bám, mà các viên gạch chỉ bị bào mòn theo thời gian, phô ra lõi màu đen, thể hiện những viên gạch được nung ở nhiệt độ cao.

Trên mái các tòa tháp được trang trí nhiều bức tượng tạc bằng đá với những đường nét khá chi tiết.

Cho đến nay, dù có nhiều lý giải khác nhau, nhưng cách thức sản xuất gạch, chất liệu gạch, chất liên kết, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn là điều bí ẩn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, du khách trong và ngoài nước.

Ngày nay các thế hệ của người Chăm vẫn đang lưu giữ và lưu truyền lại những nét văn hóa đặc sắc của cha ông.

Đứng từ đây du khách thêm một góc nhìn độc đáo về thành phố Nha Trang xinh đẹp.

Phong Vũ

Từ khóa: tháp bà Nha Trang tháp bà Ponagar tháp Chăm Nha Trang kiến trúc Chăm

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thap-ba-ponagar-kien-truc-cham-co-kinh-ngay-thanh-pho-nha-trang-post289939.info