Thao túng chứng khoán: Phạt mãi vẫn chưa đủ răn đe

Thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khá mạnh tay với hành vi thao túng giá cổ phiếu nhưng có vẻ như biện pháp này không khiến các nhà đầu tư 'tổ lái' e ngại. Điều đó được chứng minh thông qua việc các quyết định xử phạt vẫn liên tiếp được công bố.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 9 tháng năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện và xử phạt 7 vụ thao túng cổ phiếu với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng, gần bằng con số 9 vụ của cả năm 2018.

Liên tiếp xử phạt

Mới đây, UBCKNN đã có quyết định xử phạt ông Nguyễn Quang Khải (Hà Nội) 550 triệu đồng do sử dụng 26 tài khoản chứng khoán để mua bán, tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu DPS của CTCP Phát triển Sóc Sơn.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu DPS của ông Khải gây ra chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tin không nói rõ hành vi thao túng giá cổ phiếu DPS của ông Khải được thực hiện trong thời gian nào. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu DPS đang giao dịch với mức giá “cọng hành” 300 đồng/cp với thanh khoản tốt. Cổ phiếu DPS đã duy trì giao dịch dưới vùng giá 1.000 đồng/cp từ hơn một năm nay.

Cổ phiếu DPS bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 7/10 và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Nguyên nhân là do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị cảnh báo.

Cũng liên quan đến cổ phiếu DPS, hồi giữa tháng 9, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chính Chủ tịch HĐQT công ty Nguyễn Quang Nguyên số tiền 55 triệu đồng. Nguyên nhân, do từ 10/7 - 11/7/2018, ông Nguyên đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu DPS mà không báo cáo dự kiến giao dịch.

Không tạo cung cầu giả để làm giá cổ phiếu nhưng những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK khác như công bố thông tin không chính xác, không báo cáo giao dịch của cổ đông và người có liên quan... cũng được UBCKNN liên tiếp ra quyết định xử phạt.

Nặng nhất là ngày 25/10, Thanh tra UBCKNN quyết định phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) tổng số tiền 190 triệu đồng. Trong đó, có lỗi báo cáo có nội dung không chính xác các tài liệu như Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính năm 2017, 2018 đã được kiểm toán, Báo cáo quản trị rủi ro bán niên 2017, 2018, 2019 và Báo cáo quản trị rủi ro năm 2017, 2018.

Thông thường, những thông tin về tình hình tài chính, các giao dịch nội bộ của doanh nghiệp cũng có sức ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu trên TTCK và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường.

Dù đã xử phạt ở khung cao nhất cho hành vi thao túng chứng khoán nhưng tình trạng này vẫn diễn ra trên thị trường

Thao túng vì sở thích?

Thực tế, việc làm sao để kiểm soát được hành vi thao túng giá trên TTCK đã được nhắc đến khá nhiều tại những diễn đàn, hội thảo, thảo luận... Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời vẫn là điều làm khó các chuyên gia, bởi tất cả các chế tài hiện nay đều chưa đủ mức răn đe đối với “đội lái”, những cổ đông nội bộ thích “tạo sóng”.

Mẫu số chung của tất cả 7 trường hợp bị phát hiện và xử phạt trong 9 tháng năm 2019 là đều không phát hiện số lợi bất hợp pháp từ hành vi làm giá cổ phiếu, cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, trong 9 trường hợp vi phạm thao túng giá chứng khoán bị xử phạt trong năm 2018 thì có tới 8 trường hợp không tạo ra lợi nhuận nên chỉ bị xử phạt hành chính mức 550 triệu đồng/nhà đầu tư, không bị áp dụng hình phạt bổ sung.

Chỉ có 1 trường hợp thao túng giá chứng khoán có lãi là trường hợp ông Bùi Ngọc Bút (Hà Nội) sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings. Ngoài số tiền phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng, nhà đầu tư này buộc phải nộp lại gần 149,9 triệu đồng thu lợi bất chính từ việc thao túng.

Vậy, thao túng để làm gì khi không tạo ra lợi nhuận? Có 2 trường hợp thao túng trên thị trường: Một là tạo cung cầu giả để “thoát hàng” khi những cổ phiếu bị “đóng băng” hay thanh khoản thấp, do đó câu chuyện ở đây không phải là lợi nhuận mà làm sao để bán được “hàng tồn kho”. Hai là kiếm lời bằng cách cố dìm hoặc đẩy giá cổ phiếu, sau đó mua bán kiếm lời.

Liên quan đến câu chuyện này, trong một phát biểu cách đây không lâu, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), còn bổ sung thêm trường hợp cố tình “thổi” giá cổ phiếu để đánh bóng tài chính và tạo tỷ phú chứng khoán giả.

Hay những trường hợp vi phạm về công bố thông tin cũng chỉ có mức phạt vài chục triệu đồng, là quá nhỏ so với những gì mà cổ đông lớn hay doanh nghiệp thu được khi thông tin bất lợi được công bố chậm.

Trước tình trạng các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí có dấu hiệu nội gián, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đề xuất gia tăng chế tài xử phạt với mức phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng với trường hợp không có khoản thu trái pháp luật và gấp 10 lần khoản thu trong trường hợp có lợi nhuận.

Đề xuất này đang được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội ủng hộ, nhưng liệu có đủ sức áp chế các “bàn tay ma thuật làm giá” hay không thì phải chờ đợi Luật mới được thông qua và thực thi.

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/thao-tung-chung-khoan-phat-mai-van-chua-du-ran-de-314590.html