Thao thức quê nhà giấc cố hương

Nhà thơ người Chile Pablo Neruda có bài thơ 'Bài ca về Santiago' với hai câu mở ấn tượng: 'Đừng dứt tôi ra khỏi thành phố đã nuôi tôi/ Chiếc nôi ru tôi từ thời thơ ấu'. Nhưng hai câu kết còn ấn tượng hơn: 'Có thể nhớ về Santiago không có tôi trong đó/ Nhưng không thể nhớ về mình mà không có Santiago'. Nhà thơ ví quê hương như chiếc nôi đã ru ông từ thuở thiếu thời và lúc nào trong ông cũng có Santiago. Trước đó, nhà thơ người Đức B.Brecht từng quan niệm thật thiêng liêng và cũng thật sâu sắc: 'Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình'.

Nêu thế để thấy: Lòng yêu quê hương luôn là tình cảm thường trực, luôn gắn bó hữu cơ trong lòng mỗi người, trong đó có các nhà thơ. Không phân biệt quốc gia, dân tộc... chắc chắn lòng yêu quê hương của mỗi người đều bình đẳng, được tôn trọng và đều được đánh giá cao như nhau.

Đọc “Những hoàng hôn ký ức” (NXB Hội Nhà văn, 2021), độc giả nhận ra ngay nhà thơ Vân Khanh là người Huế đến máu thịt, đến gan ruột. Đó là một Huế vất vả, gian nan dai dẳng đến nỗi: “Tất cả Tết được nuôi bằng sự dồn nén một - chạp/ Bắt đầu năm bằng hạt gạo tháng giêng”. Đó là một Huế với nỗi lo “Đồng tiền tháng chạp sau bão lũ khó tìm”, “Năm mới bắt đầu bằng những gian nan cũ” và “Giữa chạp giêng, cái Tết cũng thở dài”. Khi xa xứ, đương nhiên là Vân Khanh nhớ quê, “Nhớ mùi xuân dọc triền đê/ nhớ lời cầu chúc thành lề thói quen” và nhiều lúc: “Giật mình nghe pháo râm ran nổ/ Một dải quê nhà khói như mây/ Thiêng thiêng khoảnh khắc xuân bừng rộ/ Hoa nở triền miên khắp lượt cây”.

Có lúc Vân Khanh như tỉnh, như mơ khi nhớ Huế. Qua cơn giật mình, chuyển sang trạng thái thảng thốt - cái thảng thốt của một người như để giãi bày, bộc lộ thân phận, tình cảm đến độ của mình mà vẫn lo chưa hết lòng với Huế: “Tôi lấy khúc Nam Ai làm thuyền bơi vào quá khứ/ Mà tay chèo còn lơ lửng sông Hương/ Chưa đến được đâu tận cùng của Huế/ Lòng đã lênh đênh chạm cuộc thăng trầm”.

Vân Khanh yêu Huế đến mức đắm đuối. Không đắm đuối tại sao Vân Khanh viết được “Huế mãi trong tôi” trong đó có những câu thơ đọc lên là nhớ và thương cảm: “Ăn hết Ngự Bình, uống cạn sông Hương/ Nên xa thế, bây giờ tôi vẫn Huế/ Năm tháng buồn vui với Sài Gòn hoa lệ/ Đêm từng đêm nghe Huế thức trong lòng”. Và tất cả tình cảm ấy dồn nén lại thành “giấc cố hương” trong nỗi “thao thức quê nhà” của Vân Khanh.

Theo tôi, đó là những câu thơ như được thăng hoa từ nội lực tiềm tàng của nỗi chân thành và thế mạnh của cảm xúc.

Trong “Những hoàng hôn ký ức”, Vân Khanh cũng là người sở hữu nhiều cặp lục bát đáng nhớ cho thấy một phần sở trường của thơ ông. Đây là những cặp lục bát được trích ra từ “Thương nhớ Tết quê nhà”, “Nỗi đau khi đến tột cùng”, “Tản mạn Năm Căn”, “Mây bay đỉnh tháp”, “Trở về”: “Loay hoay củ kiệu, củ hành/ Bánh chưng, bánh tét dỗ dành tháng giêng”; “Bao nhiêu dây dợ đoạn trường/ Đem buộc chặt kiếp má hường vào đây”; “Ngẩng nhìn đất rộng, trời cao/ Ngả vào đâu cũng hướng vào mênh mông”; “Có tiếng gần, có tiếng xa/ Phải chăng gạch đá trườn qua luân hồi?”; “Bao giờ ta ra khỏi ta/ Trở về như trở về nhà mình thôi?”...

Thơ Vân Khanh không chỉ duy cảm, duy tình. Đôi khi, ông như vượt lên duy cảm, duy tình để viết vừa mới, vừa lạ có sắc màu triết lý: “Ta mặc quần áo màu gì thì bóng ta cũng đen/ Ta ăn thực phẩm màu gì thì máu ta cũng đỏ/ Ta có nhanh chậm gì thì đời vẫn nay đây mai đó/ Chết là tương lai của cuộc sống bây giờ”. Bao nhiêu người đã viết về gió, nhưng gió trong thơ Vân Khanh vẫn khác: “Lúc hiu hiu nhẹ lòng người/ Lúc giật cấp đến rối bời nhân gian/ Không buồn giận, chẳng thở than/ Tự mình mở lối ngút ngàn tự do”.

Dẫu luôn sống với những hoàng hôn ký ức nhưng Vân Khanh vẫn là người của thực tế này, của đời sống này. Bởi vậy trong “Hoàng hôn”, cho dù đã cao tuổi, ông vẫn tự nhắc nhở mình: “E không kịp một vòng quay trái đất”. Chỉ với câu thơ này thôi, nhà thơ Vân Khanh đã chứng tỏ mình là người tỉnh thức trong cách nghĩ, cách sống ngay cả ở tuổi xế chiều.

Đặng Huy Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1002234/thao-thuc-que-nha-giac-co-huong