Tháo 'rào' phát triển thị trường kinh doanh khí

Hàng loạt điều kiện kinh doanh trùng lắp, chồng chéo cộng với hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh ngày càng diễn ra tinh vi đã và đang làm 'méo mó' thị trường kinh doanh khí tại Việt Nam. Nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, rào cản này được xác định là lối duy nhất giúp thị trường kinh doanh khí khởi sắc.

Bên cạnh những bất cập trong quy định của quản lý nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề cốt lõi làm rối loạn thị trường kinh doanh khí. Ảnh: ST.

Bên cạnh những bất cập trong quy định của quản lý nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề cốt lõi làm rối loạn thị trường kinh doanh khí. Ảnh: ST.

70% nội dung thủ tục trùng lắp

Mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG và khí thiên nhiên nén -CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Năm 2016, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí được ban hành đã có đóng góp tích cực đối với thị trường kinh doanh khí, đặc biệt là thị trường LPG. Tiếp sau đó, ngày 15/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nghị định số 87/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện. Cụ thể như, hiện nay vẫn có khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức Tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo, chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh khí; còn có những quy định gây khó khăn cho DN (quy định lập sổ theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG,…). Ngoài ra, thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương (thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện).

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam đánh giá: Nghị định 87/2018/NĐ-CP có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh khí. Đưa ra ví dụ điển hình, ông Trần Trọng Hữu phân tích: Hiện nay, các kho cảng đầu mối LPG, LNG được đầu tư theo quy hoạch công nghiệp khí được Thủ tướng CP phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/1/2017. Các kho cảng, trạm nạp LPG của các DN đáp ứng được yêu cầu kinh doanh và phục vụ nhu cầu xã hội. Hiện tại, hệ thống pháp lý về hạ tầng kỹ thuật kinh doanh khí có quá nhiều các thủ tục về quản lý về đầu tư, vận hành và kinh doanh trạm khí hóa lỏng, bao gồm khoảng 70 thủ tục khác nhau. Trong đó, có 3 thủ tục hồ sơ với chi phí rất cao (phải thuê tư vấn) và chấp thuận của các cơ quan quản lý, trong khi nội dung trùng lắp nhau đến 70%, do các cơ quan quản lý khác nhau phê duyệt. 3 thủ tục đó gồm: Phương án phòng cháy chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ; kế hoạch và biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất; tài liệu về quản lý an toàn, trong đó có chương trình quản lý an toàn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

Cạnh tranh không lành mạnh

Ngoài câu chuyện chồng chéo điều kiện kinh doanh kể trên, một trong những vấn đề nổi cộm trong phát triển thị trường khí tại Việt Nam hiện nay là tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG, đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng một số DN kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các DN có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 615 triệu đồng.

Ông Trần Trọng Hữu đánh giá: Bên cạnh những bất cập trong quy định của quản lý nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề cốt lõi làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những thương nhân làm ăn chân chính, đồng thời khiến Nhà nước thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thể hiện ở các khía cạnh như: Thu giữ vỏ bình gas và chiết nạp lậu; cắt tai mài vỏ, chiếm dụng hủy hoại tài sản; không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ; không đầu tư đúng mức để đảm bảo an toàn, trốn thuế và cắt giảm chi phí đầu tư cần thiết để tạo lợi thế cạnh tranh; tự lập ra các tổ chức băng nhóm bất hợp pháp để chèn ép nhau trên thị trường... "Đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định xử phạt hành chính thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-C của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; xây dựng thông tư hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trong trong lĩnh vực kinh doanh khí", ông Hữu nhấn mạnh.

Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ: Nghị định 67/2017/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo tính răn đe vừa đảm bảo tính khả thi trong áp dụng xử lý vi phạm. Đối với các DN có hành vi chiếm giữ chai LPG trái phép không có hợp đồng thuê nạp, không có thỏa thuận trao đổi chai LPG thì bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền đồng thời quy định buộc trả lại chai LPG cho chủ sở hữu.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam cần tập trung xây dựng theo hướng: Thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.

Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải, ở miền Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991 với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn NK. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, nguồn cung trong nước đạt 989 nghìn tấn chiếm gần 50 %.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thao-rao-phat-trien-thi-truong-kinh-doanh-khi-112034-112034.html