Tháo rào giúp năng lượng tái tạo 'cất cánh'

Phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió, điện mặt trời, là giải pháp khả thi, đã và đang được cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy nhằm bù đắp lượng điện thiếu hụt, giảm áp lực thiếu điện thời gian tới. Tuy nhiên, để 'thông đường' cho năng lượng tái tạo cần giải quyết nhiều vấn đề như hài hòa cơ chế giá điện ưu đãi, bảo đảm an toàn hệ thống điện...

Phát triển năng lượng tái tạo đang là ưu tiên hàng đầu để nhanh chóng bổ sung nguồn điện thiếu hụt cho Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh

Phát triển năng lượng tái tạo đang là ưu tiên hàng đầu để nhanh chóng bổ sung nguồn điện thiếu hụt cho Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh

Ồ ạt đầu tư

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 96.000MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6.000MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, đây là nhiệm vụ đầy thách thức. Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có điều chỉnh cần thiết, cụ thể là đẩy mạnh hơn dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió.

Chia sẻ những thông tin chi tiết hơn về phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Đến nay, có 92 dự án điện mặt trời với hơn 4.693MW vào vận hành thương mại, ngoài ra còn có 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch với công suất là 13.000MWp (tương đương 10.000MW). Với điện gió, đã có 9 dự án với công suất 350MW vào vận hành. Tổng công suất điện gió đã được quy hoạch là 4.800MW. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung 7.000MW điện gió vào quy hoạch. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện sinh khối, điện rác thải rắn… còn khiêm tốn hơn.

Đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của điện mặt trời áp mái, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, việc người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà để giải quyết nhu cầu dùng điện là rất hiệu quả. Phần không dùng đến có thể bán lại cho EVN với giá 8,38 Uscent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh, thay đổi theo tỷ giá USD/VND.

"Hiện nay, một số nước phát triển rất nhanh, mạnh điện mặt trời áp mái. Đi đầu trong lĩnh vực này là Australia có 14.000MW hay Đức trong 24.000MW năng lượng tái tạo của nước này, có khoảng 7.000MW điện mặt trời áp mái. EVN đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành", ông Lâm nói.

Đối mặt hàng loạt thách thức

Nhìn nhận năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, song Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức làm sao phát triển nhanh và mạnh, đồng thời phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, sự phát triển nhanh và nhiều của nguồn năng lượng tái tạo cũng đặt ra thách thức cho lưới điện truyền tải. Lý do là sự phát triển lưới điện chưa đồng bộ với tốc độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo. “Các dự án năng lượng tái tạo hầu hết do nhà đầu tư tư nhân triển khai cho nên tiến độ nhanh. Trong khi đó, các dự án lưới điện do EVN thực hiện, với nhiều thủ tục phức tạp, giải phóng mặt bằng hạn chế… Điều đó dẫn đến tình trạng, các dự án nguồn điện thường đi trước tốc độ xây dựng lưới điện truyền tải”, lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Dũng còn đề cập tới vấn đề thiếu nguồn điện dự phòng, giá điện ưu đãi cố định (FIT) thường có thời gian không dài gây khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo; thiếu nghiên cứu tổng thể về điện gió ngoài khơi… cũng là những điểm nghẽn trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện năng ước tính khoảng 8% mỗi năm đến năm 2030, trong khi GDP tăng bình quân khoảng 6-7%/năm. Do đó, giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất là cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong Quy hoạch Điện VIII cần xác định cụ thể các dự án điện năng lượng tái tạo về quy mô công suất, sản lượng trung bình/năm, địa điểm, khối lượng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và tiến độ xây dựng để tính toán cân bằng công suất, điện năng, chế độ làm việc…

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, trong phát triển năng lượng tái tạo cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn Biomass vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Đối với điện mặt trời, cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối…

Đánh giá 3 năm qua là giai đoạn khởi động và hy vọng năng lượng tái tạo có sự "cất cánh" trong thời gian tới, phát triển bền vững hơn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công thương đang tích cực chỉ đạo EVN giải quyết vấn đề quá tải và có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển bài bản, tin cậy... Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung thực hiện đầy đủ và triệt để Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng quy hoạch điện lực, chuyển dịch năng lượng cho phù hợp, thúc đẩy năng lượng sạch, điện khí và cẩn trọng phát triển điện than.

Theo tính toán của EVN, dự báo nhu cầu phụ tải giai đoạn 2021-2025 tiếp tục tăng trưởng với tốc độ đã được dự báo trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (tăng 8,6%/năm). Theo đó, nhu cầu phụ tải năm 2025 sẽ đạt 394,5 tỷ kWh. Việc đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, có khả năng xảy ra thiếu điện (dự báo năm 2023 có thể thiếu tới trên 13 tỷ kWh trong khi đã phải phát dầu gần 11 tỷ kWh) nếu không triển khai ngay một số giải pháp như đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực.

Trong văn bản Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 5 vừa qua do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký về xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, Bộ Công Thương cũng đưa ra con số đong đếm cụ thể: Cân đối cung-cầu điện giai đoạn 2021-2025 cho thấy nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2024 rất rõ ràng. Lượng điện thiếu hụt sẽ tăng từ 400 triệu kWh năm 2021 lên cao nhất đến 13,3 tỷ kWh vào năm 2023. Năm 2024, sản lượng thiếu hụt giảm còn khoảng 11 tỷ kWh. Đến năm 2025, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí-điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh như: Ô Môn III, IV; tua bin khí hỗn hợp miền Trung 1, 2 và Dung Quất I, III và các nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) như Nhơn Trạch 3, 4 và Bạc Liêu 1 đáp ứng tiến độ.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thao-rao-giup-nang-luong-tai-tao-cat-canh-129718-129718.html