Tháo nút thắt trong giải phóng mặt bằng

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, trong năm 2020, thành phố sẽ xây dựng 27 dự án giao thông mới, hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Sở cũng đặt chỉ tiêu sẽ giải ngân cho các dự án giao thông đạt hơn 95% kế hoạch vốn được giao, bảo đảm chất lượng và sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Những quyết tâm của Sở Giao thông vận tải rất đáng ghi nhận. Người dân sẽ rất vui mừng nếu những công trình giao thông này sẽ hoàn thành đúng tiến độ, không bị đội vốn và tình trạng kẹt xe sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, ách tắc lớn nhất hiện nay trực tiếp kéo giảm tiến độ thi công và tỷ lệ giải ngân các dự án giao thông chính là những vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng. Soi chiếu vào các dự án đang chậm tiến độ có thể thấy nguyên nhân chung là do người dân không đồng thuận với khung giá bồi thường. Giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường, nhất là khi so sánh giữa giá do thành phố đưa ra và đơn giá do nhà đầu tư tự thương lượng tại các dự án lân cận. Những công trình giao thông như: Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Nam Lý, đường Lương Ðịnh Của, hầm chui nút giao An Sương… vẫn nằm "đắp chiếu phơi sương" chờ mặt bằng cũng từ lý do này.

Ðể giải tỏa được nút thắt đơn giá bồi thường, thành phố cần chủ động hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế này chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, giải tỏa tại các dự án. Cơ chế này được xác định trong ba khung thời gian. Một, tối đa là 240 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành việc ban hành năm loại quyết định trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hai, tối đa là 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ba, tối đa là hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án: Nếu tất cả người dân đồng thuận chấp hành bàn giao mặt bằng thì sớm nhất là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất; nếu có dưới năm trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 60 ngày và chậm nhất là 120 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước; nếu có trên năm trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 120 ngày và chậm nhất là 180 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.

Theo tính toán của UBND thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế đặc thù trong bồi thường giải tỏa, tái định cư sẽ rút ngắn quy trình bàn giao mặt bằng cho các dự án đang trong tình trạng vô thời hạn hiện nay xuống còn 300 ngày/dự án (chưa đến một năm). Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ chế đặc thù này cũng là lối thoát để xử lý dứt điểm tình trạng đội vốn của các công trình giao thông trọng điểm hiện nay; xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm; tách công tác giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập, qua đó tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43334702-thao-nut-that-trong-giai-phong-mat-bang.html