Tháo 'ngòi nổ' thương chiến Mỹ - Trung Quốc, mừng được chưa?

Cho dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận nhằm tránh cùng lao vào một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt, song chừng nào mà nhà lãnh đạo hai cường quốc này chưa chính thức đặt bút ký kết chính thức thì vẫn chưa thể thở phào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng khi sang Mỹ đàm phán thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng khi sang Mỹ đàm phán thương mại

Một không khí lạc quan đã lan tỏa không chỉ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà cả kinh tế toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Điều này cũng dễ hiểu bởi thỏa thuận này mở ra cơ hội rất lớn để Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, rất khốc liệt gây thiệt hại chưa thể lường hết với hai cường quốc này cũng như kinh tế toàn cầu vốn “treo” lơ lửng suốt 18 tháng qua sau khi liên tiếp dùng thuế quan làm vũ khí tấn công vào nền kinh tế của nhau.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được ngày 14-12 đã mở đường cho việc Mỹ hoãn áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lẽ ra có hiệu lực chỉ một ngày sau đó, tức từ ngày 15-12. Cũng theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế đã áp từ 15% xuống còn 7,5% đối với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 15-12, đồng thời hai bên sẽ sớm khởi động đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể lượng nông sản nhập khẩu của Mỹ, lên 50 tỷ USD trong năm 2020, gấp đôi mức nhập khẩu trong năm 2017, đồng thời mở cửa các ngành dịch vụ tài chính và ban hành các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mới. Cùng với đó, Trung Quốc cam kết mua bổ sung lượng hàng hóa tối thiểu trị giá 200 tỷ USD từ các nhà sản xuất, nông dân, công ty năng lượng và nhà cung cấp dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm tới; đồng thời Mỹ cũng tăng gấp đôi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2020 và gấp gần 3 lần vào năm 2021 nếu thỏa thuận này được hai bên ký kết chính thức.

Nhìn vào những nội dung chính của thỏa thuận giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc cùng công bố thấy hai cường quốc này đã tháo được “ngòi nổ” cuộc chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nhìn nhận, đánh giá khác nhau của giới chuyên gia kinh tế như Mỹ hay Trung Quốc là người “thắng” trong thỏa thuận giai đoạn 1, liệu thỏa thuận có thực sự giúp hai nước tránh khỏi cuộc thương chiến khốc liệt… thậm chí còn có cả hoài nghi rằng liệu thỏa thuận này có được lãnh đạo hai nước chính thức ký kết.

Về phía Mỹ, hẳn Tổng thống Donald Trump có lý do để hài lòng, ít nhất vào thời điểm đạt được thỏa thuận, bởi nó giúp ông rất nhiều về mặt chính trị khi có thể tuyên bố rằng đã đạt được bước tiến thực hiện mục tiêu thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đang chịu áp lực bị luận tội từ phe Dân chủ. Thỏa thuận cũng giúp Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa thu hút thêm sự ủng hộ quan trọng đến từ các cử tri là nông dân vốn rất có trọng lượng.

Trung Quốc cũng có lý do để vui mừng khi có những ý kiến cho rằng Bắc Kinh là “bên thắng” trong thỏa thuận đạt được với Mỹ. Trung Quốc dù chấp nhận mở cửa thị trường nông sản, hay một số lĩnh vực của thị tài chính, dịch vụ… song đã giữ được điều then chốt là bảo vệ được hệ thống kinh tế mậu dịch của mình và tiếp tục các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, gây bất lợi cho các đối tác thương mại của họ và nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh những ý kiến, đánh giá khác nhau, hiện vẫn còn điều đang được quan tâm là liệu lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có chính thức đặt bút ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, hai bên vẫn chưa ký kết thỏa thuận này và hiện các quan chức thương mại của Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận thời điểm cũng như địa điểm ký kết thỏa thuận.

Chính vì còn những đánh giá như của Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ rằng: “Chiến tranh thương mại sẽ chỉ kết thúc khi xóa bỏ hoàn toàn thuế quan”, thế giới cũng phản ứng khá thận trọng với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc còn phải đi chặng đường dài phía trước để đạt được thỏa thuận giai đoạn 2, giúp hai bên tránh xa cuộc chiến thương mại và mang lại sự ổn định cho nền thương mại cũng như kinh tế toàn cầu.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/thao-ngoi-no-thuong-chien-my-trung-quoc-mung-duoc-chua/836626.antd