'Tháo ngòi' chiến tranh

Vậy là sau nhiều tuyên bố 'chiến tranh' cùng những động thái quân sự xung quanh điểm nóng Idlib, nơi được cho là 'chiến trường cuối cùng' về quân sự của Syria vẫn im ắng một cách lạ thường.

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng đối lập ở tỉnh Idlib đồng nghĩa tạm thời không có cuộc tổng tấn công nào xảy ra vào thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Syria, ít nhất trong thời điểm nóng bỏng như hiện nay.

Bất chấp những hoài nghi xung quanh thỏa thuận giữa Moscow và Ankara, nỗ lực ngoại giao này rất đáng được ghi nhận bởi phần nào giúp “tháo ngòi nổ” ở Idlib vốn luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh suốt thời gian qua, nhờ đó ngăn chặn một cuộc chiến đẫm máu xảy ra.

Một cuộc tấn công lớn của chính phủ Syria vào thành trì này với sự hậu thuẫn của Nga theo những gì truyền thông đưa tin suốt thời gian qua được cảnh báo sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo. Cùng với đó là nguy cơ làm bùng nổ một cuộc đối đầu trực diện giữa Nga và Mỹ trên lãnh thổ Syria, kéo theo những cuộc đối đầu căng thẳng giữa các quốc gia láng giềng ở khu vực, càng đẩy đất nước Syria vào tình thế tuyệt vọng. Dù sao, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạm thời loại bỏ nguy cơ Mỹ và đồng minh tạo cớ để mở cuộc tấn công Syria thêm một lần nữa. Những tuyên bố mang tính đe dọa của Mỹ, Anh, Pháp về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria với lý do quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, trong bối cảnh quân đội Syria chuẩn bị tấn công tổng lực nhằm giải phóng Idlib đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự bùng phát tại thành trì này.

Cục diện ở Idlib thay đổi bất ngờ theo chiều hướng tích cực như vậy không khỏi khiến người ta nghi ngờ về các toan tính phía sau của những nước trong và ngoài khu vực đang muốn tranh giành ảnh hưởng tại Syria. Idlib không chỉ quan trọng đối với chính quyền Syria đang nỗ lực giành lại hoàn toàn lãnh thổ từ phe đối lập để chấm dứt nội chiến, mà nó còn có tầm quan trọng đối với Nga và quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Nga, cuộc tấn công vào Idlib sẽ gây tổn hại tới quan hệ đối tác chiến lược quan trọng của Moscow với Ankara vì Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối sử dụng súng đạn ở Idlib. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Hơn nữa, một cuộc tấn công vào Idlib còn phá hỏng tiến trình Astana mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang thúc đẩy nhằm đem lại hòa bình cho Syria bằng con đường ngoại giao.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sát đường biên giới với Syria này có lợi ích chiến lược và an ninh ở Idlib không thể coi nhẹ. Việc chính quyền Syria nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ sẽ khiến mục tiêu kiểm soát khu vực biên giới cũng như tiêu diệt các tay súng người Kurd của Ankara bị cản trở. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không mong muốn chiến tranh nổ ra ở Idlib đẩy dòng người tị nạn kéo sang nước này, trong đó không loại trừ có cả những phần tử cực đoan trà trộn.

Thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự tại Syria có thể được xem là kết quả đầu tiên trong nỗ lực giải quyết vấn đề Idlib. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua một giải pháp chính trị toàn diện, tránh được sự can thiệp từ bên ngoài. Còn đối với người dân và đất nước Syria lúc này, bom đạn được hạn chế chừng nào sẽ càng tốt chừng ấy bởi những gì họ đã phải trải qua trong cuộc chiến gần 8 năm qua đã là quá sức chịu đựng.

Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở để các bên ở Syria thay vì dùng đến súng đạn có một “khoảng lặng” để hướng tới giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Nhưng để bảo đảm thỏa thuận này đưa lại kết quả cuối cùng là dập tắt hẳn mồi lửa chiến tranh ở Idlib, e rằng đó là một kỳ vọng khó khăn. Lịch sử xung đột ở Syria cho thấy, mọi thỏa thuận hòa bình hay thiết lập khu vực an toàn đều rất mong manh. Thường những thỏa thuận như vậy khó có thể được bảo đảm hiệu lực lâu dài bởi mầm mống bạo lực vẫn luôn âm ỉ ở quốc gia chìm trong nội chiến như Syria. Phe đối lập ở Syria sẽ chưa chấp nhận buông súng chừng nào lợi ích của họ chưa được bảo đảm. Chưa kể các tay súng khủng bố vẫn theo đuổi tham vọng gây dựng lại lực lượng ở Syria, bởi không có môi trường nào thuận lợi hơn ở một quốc gia đang có xung đột và khủng hoảng.

Sự thỏa hiệp ở Idlib đạt được thông qua thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nếu không kèm theo các biện pháp duy trì và ngăn chặn bạo lực sẽ chưa thể là giải pháp lâu dài, hiệu quả giúp chấm dứt xung đột ở Syria. Thỏa hiệp ở Idlib cần được mở rộng ở quy mô lớn hơn, cụ thể cần một thỏa hiệp bảo đảm lợi ích của tất cả phe phái ở Syria cũng như các bên liên quan.

Quan trọng hơn, cho dù một thỏa hiệp nào đạt được ở Syria cũng phải dựa trên cơ sở mang lại lợi ích cho chính người dân và đất nước Syria, chứ không phải để phục vụ cho những toan tính của các thế lực bên ngoài. Nếu không, Idlib sẽ vẫn tiếp tục là “ngòi nổ” ở Syria, khiến cho cuộc nội chiến ở nước này còn lâu mới đi đến hồi kết. Một cơ hội mới đang mở ra cho Syria nhưng đó cũng có thể bị biến thành thảm họa bất cứ lúc nào nếu hành động của các bên vượt ngoài tầm kiểm soát.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/thao-ngoi-chien-tranh-550090