Thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 05/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, nhấn mạnh tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; cho rằng việc xây dựng luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là thực hiện Hiến pháp năm 2013 và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Các đại biểu đều cho rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc tiếp thu, các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa.

Nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số các ý kiến tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân; tuy nhiên cũng đề nghị cần tiếp tục tập trung rà soát để quy định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, phạm vi hoạt động của lực lượng phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, phù hợp với hệ thống pháp luật, làm rõ nhiệm vụ quyền hạn do Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, để bảo đảm không tạo ra khoảng trống trên biển nhưng cũng tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đại biểu Bùi Quốc Phòng – tỉnh Thái Bình, lưu ý đến điều 3, điều 4 của dự thảo Luật, quy định: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với phương châm xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại. Đại biểu nhấn mạnh, điều này là hoàn toàn phù hợp, nhằm khẳng định và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, để nâng cao chất lượng của Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Võ Đình Tín – tỉnh Đắk Nông, quan tâm đến chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu chỉ rõ, theo quy định tại khoản 2 điều 3 của dự án luật, Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Theo đại biểu, quy định trên cho thấy chức năng thứ nhất và thứ hai của dự thảo luật đều có quy định về phạm vi để thực hiện chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trên biển trong vùng biển Việt Nam. Ở chức năng thứ 3 của dự thảo luật không giới hạn phạm vi, điều này có nghĩa là Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng này cả trên không và trên đất liền, sẽ dẫn đến việc chồng lấn chức năng của các cơ quan khác và không thống nhất với quy định tại điều 11 của dự thảo luật về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 2 điều 3 của dự thảo luật, theo hướng Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn về điều khoản quy định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam (điều 36). Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo của Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định tại điều luật này, bởi theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và không thống nhất với quy định khác của dự thảo luật. Việc quy định như điều 36 của dự thảo luật chưa phù hợp với nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dẫn tới cách hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam phải có cơ sở đào tạo bồi dưỡng riêng trong khi thực tế hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã có cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường đào tạo của Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng phát biểu tại phiên thảo luận

Giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, nhiều đại biểu băn khoăn lo lắng về sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng hoạt động trên biển, tuy nhiên trong Báo cáo giải trình tiếp thu, vấn đề này đã được chỉnh sửa, nhiệm vụ của từng lực lượng không bị chồng chéo, nhất là giữa cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và kiểm ngư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban, ngoài một số nội dung cụ thể mà các đại biểu đóng góp ý kiến, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ rà soát toàn bộ các điều khoản của Dự luật để đảm bảo quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất, logic.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này theo quy định./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38138