Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Ngày 7-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu chuyên trách, Ủy ban Thường vụ QH tổ chức thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDÐH).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH, GD, TN, TN và NÐ) Phan Thanh Bình cho biết: Tại Kỳ họp thứ năm QH khóa XIV, các đại biểu QH đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN và NÐ đã phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Tại phiên họp lần thứ 26, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến lần đầu về việc tiếp thu, giải trình dự thảo luật. Thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi cũng như phạm vi sửa đổi của luật. Các đại biểu đánh giá, dự thảo luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu QH tại kỳ họp trước, về mô hình hệ thống cơ sở GDÐH, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã quy định rõ khái niệm, tên gọi các cơ sở GDÐH (đại học, trường đại học), bổ sung việc giải thích một số thuật ngữ; phân biệt rõ loại hình cơ sở GDÐH theo sở hữu và theo chức năng, trên cơ sở đó quy định chính sách phù hợp từng loại hình trường.

Liên quan khái niệm học viện, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN và NÐ của QH nhận thấy, đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở GDÐH đã được hình thành và tồn tại trong thực tiễn. Về bản chất, không có sự khác biệt giữa học viện và trường đại học từ mô hình, cơ cấu tổ chức cho tới chức năng, sứ mệnh. Do vậy, các cơ sở này vẫn áp dụng chung một định chế, khuôn khổ pháp lý giống như các trường đại học. Việc đổi tên để áp dụng thống nhất tên gọi là trường đại học đối với các cơ sở GDÐH này thật sự không cần thiết, có thể gây xáo trộn về tâm lý, phát sinh những chi phí xã hội không đáng có mà không làm thay đổi bản chất. Ở các quốc gia trên thế giới, tên gọi của cơ sở GDÐH cũng rất phong phú, không có sự thống nhất hay đồng nhất. Vì vậy, dự thảo luật quy định học viện chỉ là tên gọi và được chế định chung với trường đại học.

Ðối với quy định về mô hình hệ thống cơ sở GDÐH và khái niệm Ðại học, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và NÐ cho biết, hiện đang có hai loại ý kiến khác nhau. Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành với đề nghị của Ủy ban thẩm tra về quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDÐH gồm có Trường đại học và Ðại học (hệ thống các trường đại học). Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDÐH là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường... Qua nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu QH, giải trình thêm về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban VH, GD, TN, TN và NÐ cho biết, hiện nay trên thế giới đang có khuynh hướng phát triển mô hình tổ hợp các trường đại học. Nhìn nhận về tiến độ phát triển và sức cạnh tranh của giáo dục Việt Nam trong hơn 20 năm qua so với thế giới, việc sắp xếp lại mô hình hệ thống cơ sở GDÐH là điều cần thiết...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận các nội dung về phát triển đại học tư thục, hội đồng trường, học phí, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình...

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37555902-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-giao-duc-dai-hoc.html