Thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19

Chiều 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn toàn diện tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Tuy nhiên, nhân dân luôn tin tưởng sự điều hành đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ và sự đóng góp to lớn của lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, đại đa số người dân nêu cao tinh thần nhân ái.

“Điều đó thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc, khả năng cao của nền y tế Việt Nam trong chẩn đoán, điều trị bệnh", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đánh giá cao các giải pháp phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, cần phát huy thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng đầu tư cho doanh nghiệp trọng điểm và tập trung phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần có chính sách phát triển mạnh mẽ nguồn nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh thúc đẩy sự hình thành, phát triển của công nghiệp chế biến; chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kinh tế số...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) và đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội), ngành cần sự hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Các đại biểu khẳng định, đất nước ta rất đẹp, nhu cầu du lịch của dân rất cao, giải pháp nào để kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa thì ngành Du lịch cần phải chủ động đề xuất, cùng với đó là sự trợ lực của Nhà nước. Song song với đó, cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 để có giải pháp, không phải chỉ là việc hỗ trợ người lao động mất việc trong ngắn hạn, mà căn cơ phải là vấn đề việc làm dài hạn của người lao động.

Việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, siết chặt chi tiêu đầu tư, chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, đây là vấn đề cũng cần tính toán, cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại, chứ không đơn thuần chỉ là việc thắt chặt chi tiêu, hoãn tăng lương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Đoàn Hải Phòng) khẳng định, Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là “chữa” cho được “căn bệnh” trì trệ, sợ trách nhiệm.

Liên quan đến nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý rằng trong lúc toàn cầu vẫn đang chìm trong khó khăn, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung - cầu và mất đi khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Thủ tướng Chính phủ mong muốn các cơ quan, đơn vị đồng lòng, kiên trì giải quyết những tồn đọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đại biểu Đoàn Cần Thơ) cho rằng, trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình những tháng đầu năm và tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 nhưng những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam vẫn đang phải căng mình chống dịch, vấn đề là phải cố gắng để không bị giảm tăng trưởng quá nhiều.

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,8 đến 7% trong năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Vì thế, để bảo đảm các yếu tố vĩ mô, theo Chủ tịch Quốc hội, nợ công phải ở phạm vi an toàn. Đồng thời, Quốc hội nên giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn như điều chỉnh chi tiêu cục bộ, ở địa phương nào, bộ, ngành nào mà không giải ngân được vốn đầu tư công, làm chậm trễ thì Chính phủ sẽ được quyền điều chỉnh cục bộ.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm đã tồn tại dai dẳng nhiều năm, không thể đổ lỗi cho dịch Covid-19.

Tiến Thành – Khánh Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/969535/thao-luan-ve-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-sau-dich-covid-19