THẢO LUẬN TỔ 03: LÀM RÕ SỰ CẦN THIẾT TÁCH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2008 THÀNH HAI LUẬT

Sáng ngày 11/11/2020, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 03, đa số các ý kiến tập trung vào sự cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Phiên thảo luận tổ 03, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.

Phiên thảo luận tổ 03, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho biết, qua nghiên cứu, Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 chương, 102 điều. Trong đó có có quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe không được quy định trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), các nội dung này được chuyển sang Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cho ý kiến về sự cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng không nên tách; ý kiến khác ủng hộ theo như Tờ trình của Chính phủ. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng tách các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ để đưa vào Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là không hợp lý. Xét về mặt lý luận “giao thông đường bộ” được tạo thành bởi 4 thành phần gồm: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu rút một trong bốn thành tố đưa sang luật khác để điều chỉnh sẽ dẫn tới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ còn là công trình giao thông; còn quy tắc giao thông đường bộ chỉ là quy tắc chung, không có đối tượng áp dụng. Vì vậy, quy tắc giao thông là thành tố không thể tách rời khỏi khái niệm giao thông đường bộ và là một trong bốn yếu tố đảm bảo mục đích trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lý do thứ hai, đại biểu cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật không hợp lý vì không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo về kỹ thuật lập pháp. Bởi giao thông đường bộ là thể thống nhất của 4 thành tố vì vậy bản chất trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục đích của Luật Giao thông đường bộ, không phải là đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc tách quy tắc trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ sẽ dẫn đến 3 hệ lụy, đó là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình giao thông đường bộ.

Về mặt quản lý nhà nước, công trình giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng. Với logic này, nếu tách thành hai luật sẽ có 3 luật liên quan đến giao thông có thể phải tách là Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đường sắt.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, nếu đưa quy tắc giao thông đường bộ ra khỏi luật sẽ phá vỡ kết cấu của Luật Giao thông đường bộ với 4 yếu tố tạo thành chỉnh thể thống nhất. Thực tế, trong công tác quản lý giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đường giao thông có độ an toàn càng cao thì chi phí đầu tư xây dựng, chi phí quản lý phải lớn. Để có độ an toàn cao thì quản lý về tốc độ cho phép lưu thông thấp và kỹ thuật phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn. Việc tách thành hai luật sẽ phá vỡ hoặc phát sinh vấn đề như thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa trong xây dựng và ban hành văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nếu tách thì Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia hiện giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thường trực sẽ giao đơn vị nào quản lý và việc phân vai giữa hai bộ được thực hiện ra sao.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn và cho rằng, lý do tách thành hai luật như Tờ trình của Chính phủ chưa đảm bảo sức thuyết phục. Ban soạn thảo vẫn chưa thực sự đầu tư nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động việc tách gây ra nhiều chồng chéo giữa hai luật như thế nào.

Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, cần họp bàn thống nhất các nội dung của luật, nếu chồng chéo, trùng lắp trong công tác quản lý thì cần phải xem xét sự cần thiết tách thành hai luật. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng giao thông đường bộ là thể thống nhất với 4 thành tố. Nếu tách quy tắc giao thông ra khỏi Luật Giao thông đường bộ thì tên gọi của Luật không có ý nghĩa. Hơn nữa, khi tách như vậy, hệ thống đường bộ chỉ là công trình goao thông đường bộ và thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, và đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, băn khoăn về tính khả thi nếu tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật. Đại biểu cho rằng nếu tách thành hai luật thì bất cập thể hiện ngay từ tên gọi, bởi nội hàm không phù hợp với tên của hai Dự án luật. Nếu tách thành hai luật sẽ trùng lắp về mục tiêu quản lý. Mục tiêu của hai Dự án Luật đều hướng tới việc an toàn cho người tham gia giao thông. Vì vậy, đại biểu cho rằng nếu chỉ hướng tới cùng một mục tiêu thì nên tập trung xây dựng khung pháp lý cao nhất quy định toàn diện bao quát các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, không cần tách ra dẫn đến khó tra cứu. Đại biểu đề nghị nên xin ý kiến Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu tách thành hai luật, nếu không thì chỉ tập trung sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)./.

Lan Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=49798