Thảo luận, thông qua đề xuất viện trợ giai đoạn 2021-2023 của Dự án phòng chống Lao

Vừa qua, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Ban Điều phối Quốc gia Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam (CCM) phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận, thông qua đề cương yêu cầu viện trợ đệ trình Quỹ Toàn cầu cho giai đoạn 2021-2023 của dự án Lao.

Tham dự cuộc họp có PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Chủ tịch CCM Việt Nam, chủ trì cuộc họp; TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG), Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và sự tham gia của các thành viên, đối tác trong mạng lưới CCM.

Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương/CTCQG, TS. Nguyễn Bình Hòa - Thư ký CTCLQG Việt Nam đã có bài trình bày về Đề xuất yêu cầu viện trợ đệ trình Quỹ Toàn cầu cho giai đoạn 2021-2023 của dự án Lao.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TM

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TM

Với sự trợ giúp của Quỹ Toàn cầu những năm trở lại đây, CTCLQG Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó, Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được Chương trình tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố tại các địa phương.

Chương trình đã có những bước chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt trọng yếu của chiến lược chống Lao: Vận động chính sách trong nước và quốc tế, các quốc sách quan trọng của Liên hợp quốc, chính sách hỗ trợ trong nước; Khám, phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao, lao kháng thuốc, lao HIV...; Nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, can thiệp y tế công cộng đối với bệnh lao.

Triển khai kế hoạch Chiến lược Quốc gia về chấm dứt bệnh lao giai đoạn 2021-2025, CTCLQG đưa ra tầm nhìn “Giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh lao đến y tế công cộng, kinh tế và xã hội” nhằm (1) tìm kiếm và điều trị những ca lao chưa phát hiện được trong cộng đồng; (2) tìm kiếm những ca nhiễm lao tiềm ẩn và cung cấp điều trị dự phòng lao. Trong đó, kế hoạch, khung hành động Chiến lược tập trung vào 04 mục tiêu tác động cụ thể: (1) Giảm 50% tỷ lệ mắc mới vào năm 2025 so với năm 2018; (2) Giảm 75% tỷ lệ tử vong do lao vào năm 2025 so với 2018; (3) Duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc thấp hơn 5% trong tổng số ca lao mới; (4) Giảm 50% số gia đình phải chịu chi phí thảm họa do lao vào năm 2025 so với năm 2018.

Để đạt được các mục tiêu cụ thể, CTCLQG đưa ra mô hình chiến lược dựa trên mô hình lấy người bệnh làm trọng tâm, phân tích về con đường tìm kiếm dịch vụ y tế của người bệnh, ưu tiên những can thiệp tác động vào việc cải thiện công cuộc tìm và phát hiện ca bệnh, cải thiện công tác báo cáo và cải thiện kết quả điều trị. Việc sử dụng chụp Xquang kết hợp Xpert trong những nhóm dân số có tỷ lệ hiện mắc cao sẽ có hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, kết hợp điều trị lao tiềm ẩn với phát hiện chủ động trong những nhóm dân số có tỷ lệ hiện mắc cao sẽ giúp giảm tỷ lệ mới mắc trong cộng đồng.

Với nền tảng là một mạng lưới chẩn đoán mạnh, cùng sự kết hợp với BHYT và bảo trợ xã hội sẽ làm giảm các chi phí thảm họa. Cách tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật, mô hình tiên tiến, các nghiên cứu đánh giá sẽ hỗ trợ trong việc hoạch định chính sách và chiến lược trong suốt quá trình triển khai.

BH (Theo chương trình CLQG)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thao-luan-thong-qua-de-xuat-vien-tro-giai-doan-2021-2023-cua-du-an-phong-chong-lao-n174526.html