Thảo luận hai dự án luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, ngày 15-11, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận, cho ý kiến về hai dự án: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Chiều qua, QH làm việc tại hội trường nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 444 đại biểu tán thành (bằng 91,55% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ảnh: DUY LINH

Nâng cao chất lượng giáo dục

Phần lớn đại biểu tán thành với kết cấu dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chính phủ trình và cho rằng, dự án Luật lần này đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cấu trúc, bố cục dự án Luật theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn. Tiếp tục nghiên cứu quy định về triết lý giáo dục; bổ sung quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan...

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhận định, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chất lượng, đạo đức là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm là rất cần thiết. Đại biểu phân tích, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên mầm non của cả nước trong năm học 2017-2018 là 337.558 người, số giáo viên đạt chuẩn trung cấp là 332.403 người và theo chuẩn của Luật Giáo dục (sửa đổi), số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ cao đẳng là 107.150 người. Phần lớn các giáo viên chưa đạt chuẩn, có tuổi đời lớn, tập trung ở địa phương, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù chính sách nâng chuẩn có thể đúng về chủ trương, nhưng thiếu các quy định cụ thể, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; cần có quy định hợp lý để giáo viên yên tâm công tác trên cơ sở bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn hằng năm phù hợp yêu cầu giảng dạy, tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi. Khi thực hiện đại trà, các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn, cần tính đến đặc thù của địa phương để triển khai hiệu quả.

Đại biểu Ka H’Hoa (Đác Nông) chỉ rõ, riêng đối với quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cần tính toán đến lộ trình thực hiện và yếu tố tác động từ thực tiễn. Cần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đãi ngộ đối với giáo viên. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị, dự án Luật bổ sung quy định tuyển dụng, quản lý giáo viên các trường công lập thuộc thẩm quyền ngành giáo dục; chỉ tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy.

Khẳng định việc bổ sung Điều 14 dự thảo Luật nêu phương thức giáo dục đặc biệt thể hiện rõ sự quan tâm thỏa đáng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đại biểu Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nội hàm, giải pháp, nhất là tính khả thi, hiệu quả của phương thức giáo dục hòa nhập khi áp dụng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh nhấn mạnh người làm công tác quản lý giáo dục là người ra chính sách thực thi chính sách giáo dục, thực thi luật về giáo dục là nhóm đối tượng cần được bồi dưỡng, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi hay ban hành quy định mới về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của nhà giáo, người quản lý giáo dục phù hợp điều kiện hiện nay. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) và nhiều đại biểu quan tâm về chương trình sách giáo khoa. Theo Nghị quyết của Quốc hội, tới đây giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng cả nước nên chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị cần cải cách phương thức làm sách giáo khoa.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng kiến nghị tổ chức hội nghị lấy ý kiến thảo luận thêm của các đại biểu QH và tổ chức lắng nghe nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục để hoàn thiện dự thảo luật. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình QH xem xét thông qua vào kỳ họp thứ bảy.

Tăng cường quản lý thuế hiệu quả

Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phần lớn đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật. Các đại biểu QH: Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cùng một số đại biểu khác cho rằng, dự án Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, quy trình thủ tục hành chính thuế khoa học, đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và dễ áp dụng.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, cần bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về quyền hạn của QH trong ban hành, sửa đổi các luật, văn bản quản lý thuế; thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, quy định cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế. Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế là đối thoại, gặp gỡ trao đổi hằng năm với đối tượng nộp thuế, kiểm tra quyết toán thuế của các doanh nghiệp có quy mô lớn để ngăn chặn tình trạng trốn thuế.

Các đại biểu QH: Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng); Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) cùng một số đại biểu nêu quan điểm, cần có các quy định cụ thể trong dự án luật để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, làm giảm nguồn thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Thực tế, chuyển giá luôn là vấn đề khó giải quyết, hiện nay hoạt động chuyển giá không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp nước ngoài mà còn xuất hiện ở doanh nghiệp trong nước. Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp báo lỗ nhằm tránh nộp thuế, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Trong khi đó, hành lang pháp lý chống chuyển giá vẫn thiếu đồng bộ và nhiều lỗ hổng. Bởi vậy, trong dự án Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa những quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được kết cấu thành một chương trong luật, với cơ sở pháp lý rõ ràng...

Một vấn đề được quan tâm thảo luận là quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) cùng nhiều đại biểu đề nghị chính sách quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không nên đặt mục tiêu tận thu, ngược lại phải góp phần thúc đẩy thương mại điện tử tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao tính tin cậy của các giao dịch, tránh gây ra những rào cản hạn chế sự phát triển lĩnh vực này.

Một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế, nhưng toàn bộ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) không có điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập...

Đại biểu PHẠM TRỌNG NHÂN (Bình Dương)

Việc quy định cung cấp dịch vụ đại lý thuế để có hành lang pháp lý mở rộng dịch vụ đại lý thuế trong thời gian tới là cần thiết. Giải pháp này giúp giảm thời gian khai thuế cho người nộp thuế, giảm áp lực cho cơ quan thuế...

Đại biểu MAI THỊ ÁNH TUYẾT (An Giang)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38263402-thao-luan-hai-du-an-luat.html