Thảo luận hai dự án luật; biểu quyết thông qua một nghị quyết

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 18-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Ngày làm việc thứ 21 Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIV

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ. Ảnh: DUY LINH

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều sửa đổi 19 điều, bổ sung ba điều và đổi tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; sửa đổi tám điều của Luật Ðê điều; sửa tên "Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn" thành "Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" để phù hợp Quyết định 2050/QÐ-TTg ngày 20-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ tại các luật: Phòng, chống thiên tai; Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Qua thảo luận, cho rằng các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống thiên tai là không nhiều, chủ yếu tập trung vào những nội dung vướng mắc trong triển khai trên thực tế, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần đánh giá bổ sung các quy định nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về lực lượng xung kích ở địa phương để ứng phó thiên tai, quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, bên cạnh UBND còn có HÐND bảo đảm nguồn lực thực hiện phòng, chống thiên tai, tăng cường công tác giám sát. Ðại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) đề cập quy định về công tác quản lý trong phòng tránh thiên tai tại vùng cao, miền núi còn chung chung, do đó cần bổ sung cụ thể các quy định này. Một số đại biểu khác bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật thiếu các quy định về hướng dẫn nâng cao kỹ năng ứng phó phòng, chống thiên tai giúp người dân. Vì vậy đề nghị bổ sung quy định về giáo dục, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại...

Ðề cập nội dung sửa đổi, bổ sung tên Ðiều và khoản 2 Ðiều 27 trong dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn trên thực tế, cù lao đang là nơi sinh sống lâu đời của nhiều người dân (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long), việc bổ sung cụm từ trong Ðiều 27 "Xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, bãi nổi, cù lao" có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền địa phương và nhiều hộ gia đình đang sinh sống bao đời tại các cù lao, bãi nổi, bãi sông. Ðại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nội dung này trong các văn bản dưới luật; giúp bà con sinh sống lâu đời trên các cù lao chủ động hơn trong đời sống.

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Báo cáo nêu rõ, Ðảng, Nhà nước luôn chăm lo, chăm sóc đồng bào DTTS và MN, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, địa hình vùng núi cao, đất dốc, địa bàn sản xuất khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải chịu ảnh hưởng hậu quả của mưa lũ, gió lốc, lại xa thị trường trung tâm, kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn, cho nên điều kiện sống của đồng bào còn khó khăn.

Cũng theo báo cáo, nhiều ý kiến đại biểu QH đề nghị đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và MN cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, phân tán nguồn lực. Ðồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước là chủ đạo. Ðồng bào các dân tộc cần phát huy nội lực mạnh mẽ để tự lực vươn lên phát triển cùng đất nước. Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, đây cũng là nội dung quan trọng có tính xuyên suốt, bao trùm trong xây dựng và thực hiện Ðề án. Trong giai đoạn 2021- 2030, cần quán triệt quan điểm chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và MN là chính sách đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ðồng thời, đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và người dân. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH, dự thảo Nghị quyết đã ghi theo hướng "Nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định", mặt khác cần đón nhận, phát huy các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ vào vùng này.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị, đề án cần xác định các trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề bức thiết hiện nay trong vùng đồng bào DTTS và MN để tập trung đầu tư. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo và thể hiện các nội dung nhiệm vụ trong Ðề án theo thứ tự ưu tiên, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Sau khi nghe dự thảo Nghị quyết phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Ðề án nói trên với 432 đại biểu (bằng 89,44% tổng số đại biểu QH) tán thành.

Thời gian còn lại của phiên làm việc, QH thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Cam-pu-chia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Sau khi thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu QH nêu.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42282602-thao-luan-hai-du-an-luat-bieu-quyet-thong-qua-mot-nghi-quyet.html