Thảo luận Dự án Luật Chăn nuôi: Nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Chăn nuôi chiều 14/6, đã có 15 vị Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 2 đại biểu đã tranh luận về nội dung đại biểu quan tâm trong đó nhiều ý kiến quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi ý kiến của một số vị Đại biểu xung quanh vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Như So

Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cần điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại Việt Nam

Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung điều kiện và nguyên tắc xác định vị trí đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng miền. Bên cạnh đó, cần xem xét trình độ công nghệ, trang trại vì rõ ràng công nghệ cao xử lý chất thải chăn nuôi triệt để sẽ làm giảm thiểu tác động đến môi trường rất nhiều so với chăn nuôi truyền thống.

Về việc quy định quản lý nước thải trong chăn nuôi tại khoản 5 Điều 45 dự thảo luật đặt ra thách thức lớn ngay các trang trại. Hiện nay chúng ta đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn 62, quy chuẩn chất lượng nước mặt theo quy chuẩn 08.

Những quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ và xử lý môi trường hiện nay dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng phạm luật, lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng, vì nước thải chăn nuôi khác với nước thải công nghiệp nên chăng cần tham khảo các nước EU như Hà Lan tận dụng tối đa nguồn phân bố hữu cơ để tăng độ phì cải tạo và tăng chất lượng nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ 90% chất thải trong chăn nuôi chưa qua xử lý kèm theo nước thải được tưới bơm trực tiếp làm phân bón cho cây trồng.

Đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại Việt Nam, có chính sách thúc đẩy tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi như một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ, giảm bớt chi phí chăn nuôi, vừa thúc đẩy và phát triển ngành nông ngiệp, vừa đảm bảo môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: “Đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi”

Về quản lý môi trường chất thải trong chăn nuôi được quy định tại mục 3, theo đánh giá của ngành chức năng mỗi năm có trên 85 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi được thải ra môi trường.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi mặc dù luôn được các ngành chức năng quan tâm, nhưng thực tế hầu hết tại các địa phương những trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ không có điều kiện về tài chính để đầu tư vận hành công trình xử lý chất thải đạt chuẩn đã tác động không nhỏ đến môi trường sống và là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.

Tôi đề nghị cùng với việc quy định những nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững vì sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu Vương Văn Sáng

Đại biểu Vương Văn Sáng - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: “Cần có quy định cụ thể tại khoản 2 về khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi”

Tại khoản 2 Điều 44 quy định, khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi mới phải cách xa chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, công sở, cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trang trại chăn nuôi khác, nhà máy, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn, đường giao thông chính liên xã, huyện, tỉnh, khu vực ô nhiễm theo quy định của pháp luật và nguồn nước sinh hoạt.

Khoảng cách cơ sở chăn nuôi được xác định là đường thẳng gần ranh giới của cơ sở chăn nuôi đến ranh giới của các cơ sở quy định tại điểm a khoản này.

Theo tôi, quy định như vậy là còn chung chung, cần nghiên cứu và bổ sung quy định về khoảng cách đường thẳng gần từ ranh giới đến cơ sở chăn nuôi đến ranh giới cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 là bao nhiêu mới không gây ảnh hưởng đến khu cộng đồng dân cư. Tôi đề nghị cần có quy định cụ thể tại khoản 2 về khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi.

Đại biểu Dương Tấn Quân

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần quy định rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi

Riêng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, có 112 trang trại chăn nuôi gia công trên tổng số 242 trang trại chiếm 46,28%. Thực tế, mô hình này đang đem lại hiệu quả cao, nó giúp người dân tiếp cận với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, góp phần phát triển tăng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn…

Song, nói là liên kết làm ăn nhưng các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, gánh chịu những thiệt thòi, hệ lụy về môi trường lại chính là người dân.

Chính vì vậy, tôi đề nghị nên bổ sung vào điều 53 (nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi) một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công, trong đó quy định rõ, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT: “Phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón”

Về vấn đề môi trường có một số vấn đề lớn, thứ nhất là phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón, vừa qua ta chưa làm được điều đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tuần trước có hội nghị liên tịch yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan chỉnh sửa 2 quy chuẩn kỹ thuật, một là 08 và hai là 62 để phù hợp nhất với tình hình Việt Nam.

Nay mai Ủy ban chắc sẽ có một văn bản giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành về quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng phế thải này làm phân hữu cơ. Việc này có hai mục đích, một là bảo vệ môi trường, hai là sớm đưa ra được dòng sản phẩm phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thao-luan-du-an-luat-chan-nuoi-nhieu-dbqh-quan-tam-den-van-de-bao-ve-moi-truong-1254629.html