Thảo luận ba dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy

Ngày 4-4, tại Nhà Quốc hội (QH), Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách thảo luận về các dự án luật sẽ trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy sắp tới. Các đồng chí Phó Chủ tịch QH: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ, chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: Kết quả hoạt động thực tế thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách, với việc đã tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu QH, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình QH. Ủy ban TVQH đã lựa chọn ba dự án luật gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi) để thảo luận, cho ý kiến trước khi trình QH. Đồng chí nhấn mạnh, đây là ba dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu QH; có nhiều quy định mới, khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, của pháp nhân thương mại; hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công và nhiều vấn đề chưa có tiền lệ ở nước ta. Đồng chí cho rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu QH, hội nghị sẽ góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện các dự án luật trước khi trình QH vào kỳ họp thứ bảy sắp tới.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), ý kiến của đa số đại biểu cho rằng, dự án luật đã kế thừa những điểm tích cực của Luật Giáo dục năm 2005 và bổ sung nhiều nội dung mới tiến bộ, phù hợp tình hình thực tế, thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cho ý kiến về quy định sách giáo khoa (SGK), nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm cần cân nhắc thật kỹ quy định “mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK tuân thủ theo quy định của pháp luật”. Đề cập vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều đại biểu cho rằng, chỉ nên có một chương trình và một bộ SGK thống nhất áp dụng chung trong cả nước.

Giải trình về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ thực hiện đúng như mục tiêu, tinh thần Nghị quyết 88 của QH về “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Nhằm bảo đảm tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và văn hóa địa phương, trong chương trình thiết kế sẽ có tỷ lệ 80% nội dung kiến thức khung thống nhất toàn quốc, còn lại 20% nội dung tùy thuộc vào từng địa phương biên soạn, sẽ được Bộ thẩm định, thống nhất với chương trình tổng thể trước khi ban hành.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Luật Giáo dục không đứng riêng, mà phải đứng trong tổng thể với các luật khác. Bên cạnh đó, cần khẳng định, một số vấn đề còn hạn chế, tiêu cực trong ngành không phải do luật chưa nghiêm minh, mà là do quá trình thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu, Luật Giáo dục lần này cần sửa để bắt kịp xu thế thế giới, đó là không nhồi nhét kiến thức, mà để cho giáo viên, học sinh sáng tạo và tận dụng công nghệ mới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về: các quy định liên quan đến nhà giáo; đầu tư tài chính trong giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của nhà trường.

Trong phiên làm việc buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), các đại biểu QH chuyên trách dành nhiều thời gian thảo luận về quy định tổ chức cho phạm nhân lao động. Về vấn đề này, có hai luồng ý kiến trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban An ninh - quốc phòng và một số đại biểu tán thành việc Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam; đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và một số đại biểu lại không đồng tình với việc bổ sung này, bởi mô hình nói trên dẫn tới nhiều rủi ro và tiêu cực do chưa lường hết sự phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân khu vực đưa phạm nhân ra lao động sản xuất.

Giải trình rõ hơn về vấn đề này, Trung tướng Hồ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an), khẳng định: Trại giam là nơi trừng trị và quản chế phạm nhân kết hợp giáo dục thông qua cải tạo lao động. Việc đưa điểm sản xuất ra ngoài trại giam không phải là điểm làm kinh tế, mà là các điểm để phạm nhân thực hành những gì đã được học về nghề. Về bảo đảm an toàn, an ninh, các phạm nhân được đưa ra các điểm sản xuất phải được lựa chọn chặt chẽ. Một số doanh nghiệp có cam kết, những phạm nhân có tay nghề cao sau khi mãn hạn tù sẽ được nhận làm lao động tại doanh nghiệp nhưng tại các cơ sở sản xuất khác.

Cũng trong phiên thảo luận buổi chiều, các đại biểu dành thời gian thảo luận các nội dung về: trách nhiệm quản lý giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân là phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi…

Sáng nay (5-4), hội nghị tiếp tục cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi).

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39751402-thao-luan-ba-du-an-luat-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-bay.html