Tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức đối thoại với đại biểu Hội Nông dân thành phố để lắng nghe, trao đổi và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Theo báo cáo của Hội Nông dân Hà Nội, trong mười năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo phát triển bền vững trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội. Bình quân mỗi năm có hơn 265 nghìn lượt hộ hội viên đăng ký tham gia phong trào, qua bình xét có gần 175 nghìn lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm hơn 65%. Hội đã vận động các cán bộ, hội viên thực hiện cuộc vận động Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn và cuộc vận động Người nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều địa phương thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, như huyện Đan Phượng với phong trào Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận; huyện Phúc Thọ với cuộc vận động Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch…

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn nêu thực tế, sản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu, các chuỗi liên kết trong sản xuất quá ít, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Người nông dân chịu thiệt thòi. Ông Tuấn kiến nghị thành phố tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và có chính sách phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh lo ngại tình trạng có một số hộ dân tại các làng nghề vẫn sản xuất kinh doanh xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Bà Thanh mong muốn các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cụm sản xuất làng nghề tập trung theo quy hoạch để người dân có địa điểm sản xuất, kinh doanh ổn định, yên tâm đầu tư. Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất từ các sông đang bị ô nhiễm nặng; cơ chế, chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lớn, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Giải đáp các kiến nghị của nông dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, qua sáu năm triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội đã dồn đổi được hơn 79 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại sản xuất. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, với 154 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, hơn 100 vùng sản xuất rau an toàn, 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh, vùng trồng cây ăn quả đặc sản có diện tích gần 19 nghìn ha. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và hơn 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Phát huy kết quả này, thời gian tới thành phố tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Liên quan đến các thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Chu Phú Mỹ khẳng định thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nhưng công tác quảng bá, giới thiệu chính sách đến các doanh nghiệp còn hạn chế. Tại buổi đối thoại, đại diện các sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời nhiều ý kiến của các đại biểu, tập trung vào vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản; quản lý công tác thú y, giết mổ gia súc, gia cầm, dịch bệnh; đê điều, thủy lợi và đất đai.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là chủ trương nhất quán của thành phố. Sau gần mười năm triển khai Chương trình số 02 của Thành ủy, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành ghi nhận, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của nông dân. Tập trung giải quyết dứt điểm những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân nâng cao chất lượng hoạt động, chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42677702-thao-go-vuong-mac-trong-san-xuat-nong-nghiep.html