Tháo gỡ vướng mắc khi thi hành các chính sách mới trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu

Ngày 20-4-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Sau hơn một tháng triển khai các văn bản mới này (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-6-2018), cục hải quan các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã phản ánh một số khó khăn, bất cập. Theo đó, Nghị định và Thông tư sửa đổi có nhiều nội dung quy định phải thực hiện trên Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), nhưng đến nay, Hệ thống CNTT của ngành vẫn chưa có chức năng để thực hiện, như: Chưa có chức năng hệ thống cho phép nộp hồ sơ miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế, chặn tờ khai trùng, tách vận đơn trong trường hợp khai nhiều tờ khai cho một vận đơn; chưa có hệ thống quản lý, theo dõi và trừ lùi giấy phép, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)… cho nên vẫn phải thực hiện thủ công thông qua hồ sơ, chứng từ giấy. Thông tư 39 quy định sau một giờ từ khi nhận được chứng từ mà người khai hải quan gửi qua hệ thống, công chức phải kiểm tra và phản hồi qua hệ thống về việc đã nhận đủ hồ sơ. Nhưng quy định này gây khó khăn cho công chức khi kiểm tra tính đầy đủ hồ sơ, nhất là thời điểm cuối ngày làm việc, DN đồng loạt gửi hồ sơ thông qua hệ thống, dẫn đến thời gian xử lý không đáp ứng được theo quy định.

Việc miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài cũng gặp vướng mắc, mâu thuẫn. Cụ thể, trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nếu phát sinh gia công công đoạn tại đơn vị khác (thí dụ: DN nhập khẩu nguyên liệu may mặc để sản xuất áo, trong công đoạn sản xuất có công đoạn thêu, giặt là… tại các DN khác, sau đó nhận sản phẩm về tiếp tục xuất khẩu theo đúng như khai báo với cơ quan hải quan), thì hiện nay theo hướng dẫn là không được miễn thuế. Tuy nhiên trước đây, hoạt động này vẫn được hưởng chính sách ân hạn thuế.

Bên cạnh đó, khi xuất khẩu sản phẩm phát sinh việc xuất khẩu tại chỗ, nay không được miễn thuế cho nguyên liệu nhập khẩu, nhưng chính sách trước đây vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, khi thực hiện các văn bản mới, cũng phát sinh bất cập liên quan thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, vận chuyển độc lập, kiểm tra xác định trị giá hải quan, việc triển khai hệ thống giám sát, quản lý hàng hóa tự động tại các cảng biển, cảng hàng không, kho, bãi như: kho ngoại quan, kho CFS, ICD, địa điểm tập kết, kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Các ý kiến đề nghị, Tổng cục Hải quan cần nghiên cứu sớm chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, nhất là cần bổ sung một số chức năng mới của hệ thống để hỗ trợ DN thực hiện khai báo và giúp cơ quan hải quan phản hồi thông tin kịp thời tới DN. Sớm ban hành quy trình nghiệp vụ để hướng dẫn công chức thực hiện giải quyết thủ tục, giám sát đối với một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ khâu trước thông quan, trong thông quan đến sau thông quan và cả các công đoạn kiểm tra hồ sơ, tên hàng, mã số, trị giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, việc áp dụng các chính sách thuế... Hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình cửa khẩu (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt...).

Để bảo đảm việc phân luồng và áp dụng chính sách mặt hàng chính xác, thì toàn bộ hàng hóa thuộc Danh mục quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành cần được chuẩn hóa bằng việc phân loại, áp mã số HS theo đúng Danh mục và cần mã hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa vào Hệ thống hỗ trợ cho cán bộ công chức trong quá trình làm thủ tục hải quan. Mặt khác, để bảo đảm tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa, cần đồng bộ Hệ thống thông quan điện tử và Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trên cơ sở phản ánh từ cộng đồng DN và kiến nghị của một số cục hải quan tỉnh, thành phố, đề nghị Tổng cục Hải quan rà soát lại các nội dung đã hướng dẫn để tham mưu với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, theo hướng xây dựng chính sách thuế ổn định đối với hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm sự công bằng về chính sách thuế cho hàng hóa nhập khẩu để gia công và sản xuất xuất khẩu, có tính đến các yếu tố phù hợp định hướng phát triển của DN, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.

Các ý kiến cũng đề nghị, để hạn chế công chức gây phiền hà, sách nhiễu DN hoặc các việc không đúng quy trình nghiệp vụ, không đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan cần xây dựng kế hoạch cụ thể thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37270102-thao-go-vuong-mac-khi-thi-hanh-cac-chinh-sach-moi-trong-linh-vuc-xuat-khau-nhap-khau.html