Tháo gỡ vướng mắc cho xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng

Xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng đã có bước phát triển tích cực khi ngày càng có nhiều dầu sách phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, các quy định trong thông tư này vẫn đang gây khó khăn cho các nhà xuất bản (NXB) khi muốn phát triển lĩnh vực này.

Ngày 6/12, Sở Thông Tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh và Hội xuất bản Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các NXB khi xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng.

Đại diện các NXB tại TP Hồ Chí Minh tham dự hội thảo "Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước” tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/12.

Đại diện các NXB tại TP Hồ Chí Minh tham dự hội thảo "Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước” tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/12.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp cho biết, qua 8 năm triển khai sách đặt hàng, đến nay đơn vị đã thực hiện in ấn, phát hành đến tận các cơ sở, tổng cộng 94 tựa sách với 239.091 bản in, tổng giá trị là khoảng 28,7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Nhiều đầu sách có giá trị về chính trị - xã hội, văn hóa, lịch sử,… có hàm lượng tri thức cao, hơi kén thị hiếu của số đông độc giả đã được Nhà nước hỗ trợ xuất bản để phát hành đến các tổ chức thật sự có nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu sâu, hoặc khai thác và phổ biến kiến thức.

Theo bà Thủy, khi áp dụng theo Thông tư 07 về hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước, một số NXB đã gặp khó khăn do những quy định còn cứng nhắc, chưa linh hoạt. Ví dụ, thị trường giấy Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu trong nước, lệ thuộc vào chủng loại giấy nhập từ nước ngoài, thậm chí có những thời điểm khan hiếm giấy in… Vì vậy, việc quy định theo thông tư 07 là phải dùng giấy Couche, Couche Matt, định lượng và độ trắng… là không phù hợp thực tế.

Theo Thông tư 04 quy định, cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách trung ương là cơ quan chủ quản nhà xuất bản trung ương; cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương sẽ do UBND cấp tỉnh ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương. Tuy nhiên, Thông tư 07 hiện nay lại giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh. “Điều này là bất khả kháng, bởi khối lượng công việc của UBND TP Hồ Chí Minh phải điều hành, quản lý và xử lý quá nhiều. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản NXB của thành phố, thì không cách nào UBND thành phố phải “ôm” việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hằng năm. Điều này đẫn đến sự “quá tải” cho cơ quan UBND TP Hồ Chí Minh”, bà Thủy dẫn chứng thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết theo thông tư 07, việc sách Nhà nước đặt hàng liệu có bắt buộc là sách mới hay không. Bởi Thông tư 07 có gọi bản thảo là bản mẫu, tức là sách mẫu chứ không có bất kỳ từ ngữ nào gọi là sách mới, bản thảo mới.

Bà Tuyết dẫn chứng, trong quá trình thực hiện các bản thảo mới, NXB Văn hóa – Văn nghệ gặp không ít khó khăn do phải phụ thuộc rất lớn vào tác giả. Nhiều trường hợp nhà xuất bản ký hợp đồng với tác giả thỏa thuận viết 300 trang, nhưng khi hoàn tất bản thảo lại lên tới 600 trang. Điều này gây khó khăn rất lớn cho khâu biên tập khi phải cắt bớt nội dung cho phù hợp với thỏa thuận ban đầu. Nhiều trường hợp tác giả còn không thực hiện đúng tiến độ đã thỏa thuận… khiến các NXB rơi vào tỉnh cảnh “bị động” khi in ấn, ra mắt sách kịp tiến độ.

Tương tự, bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo “Tiêu chí đặt hàng xuất bản phẩm” của Bộ Thông tin và Truyền thông, xuất bản phẩm đặt hàng cũng chú trọng đến sách dành cho thiếu niên, nhi đồng; người khiếm thị. Do đó, các cơ quan chủ quản các NXB và bản thân các NXB cũng cần hết sức chú ý mảng đề tài này, bên cạnh các mảng đề tài đã làm tốt. Vì vậy, bà Hà kiến nghị cần nâng mảng đề tài này lên từ 30-50%. Bởi khi làm tốt sách Nhà nước đặt hàng dành cho thiếu nhi, mức độ lan tỏa sách thiếu nhi sẽ cao hơn, từ đó góp phần rất lớn trong việc xây dựng thói quen đọc sách ở thiếu nhi.

Để giải quyết các vướng mắc cho các NXB khi thực hiện in ấn sách do Nhà nước đặt hàng, bà Thủy kiến nghị, Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh nên có văn bản kiến nghị điều chỉnh lại Điều 3 Thông tư 07 theo hướng: “Các đơn vị xuất bản có thể linh động chọn quy cách xuất bản phẩm dựa trên dung lượng bản thảo và tình hình thực tiễn của thị trường giấy”, giúp cho cơ quan có thẩm quyền xét duyệt kinh phí và cơ quan thực hiện xuất bản phẩm đặt hàng không sai so với quy định của Thông tư.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Thông Tin Truyền thông, cho biết ngay năm đầu tiên áp dụng Thông tư 07 của Bộ Thông tin Truyền thông, các đơn vị xuất bản vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Hiện Bộ đang ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các NXB TP Hồ Chí Minh để từ từ điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khác. Bởi TP Hồ Chí Minh được xem là nơi có thị trường báo chí, xuất bản sôi động nhất cả nước nhưng vẫn còn vướng mắc, chứng tỏ Thông tư 07 cần phải chỉnh sửa để thông tư này đi vào thực tiễn hơn. Từ đó, tiến đến nâng cao chất lượng các đầu sách do Nhà nước đặt hàng, làm phong phú các mảng đề tài, nội dung của sách do Nhà nước đặt hàng. Có như vậy các NXB mới hào hứng hơn khi tham gia làm các loại sách này.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 07/2018/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo đó, đề tài đặt hàng gồm: xuất bản phẩm về lý luận, chính trị; xuất bản phẩm phục vụ thiếu niên, nhi đồng; đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; người khiếm thị; xuất bản phẩm cần phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu (chủ quyền quốc gia; an ninh, quốc phòng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; phát triển nông nghiệp - nông thôn; phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng); xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Địa chỉ nhận xuất bản phẩm đặt hàng đối với xuất bản phẩm đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương là: thư viện công cộng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thư viện chuyên ngành; thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học; thư viện của các trường đại học, cao đẳng; thư viện của các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện; cơ quan quản lý chuyên ngành; tổ chức chính trị - xã hội; đoàn thể trung ương; điểm Bưu điện - Văn hóa xã; cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài; cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/thao-go-vuong-mac-cho-xuat-ban-sach-do-nha-nuoc-dat-hang-20191206153445546.htm