Tháo gỡ vướng mắc cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Mặc dù đã rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị, nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cần tập trung tháo gỡ để triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho học sinh (HS) khối lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị, nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cần tập trung tháo gỡ để triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho học sinh (HS) khối lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Công tác chuẩn bị cho chương trình GDPT, sách giáo khoa (SGK) mới từ năm học 2020 - 2021 của ngành GD và ÐT thành phố bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Ưu thế của ngành giáo dục thành phố trong việc triển khai chương trình GDPT mới là các trường đều khẩn trương, nghiêm túc trong việc lựa chọn SGK cho HS lớp 1. Theo đó, “Chân trời sáng tạo” là bộ SGK được lựa chọn nhiều nhất với phần lớn ý kiến đánh giá khả quan. Các trường tiểu học (TH) cũng đã công khai thông tin về các bộ SGK mới để cha mẹ học sinh nắm rõ. Về công tác tuyển dụng giáo viên (GV) cho chương trình GDPT mới, thành phố cũng có lợi thế vì đã triển khai giảng dạy hai môn tiếng Anh và Tin học ở bậc TH từ năm 1998. Do vậy, việc cho HS sớm làm quen với tiếng Anh, Tin học từ lớp 1, lớp 2 dưới hình thức tự chọn sẽ không mấy khó khăn với thầy trò các trường TH tại thành phố. Nắm chắc chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy là hai thế mạnh mà đội ngũ GV tại thành phố đang sở hữu. Thế nhưng, để triển khai các môn học này, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố là khâu tuyển dụng GV do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm. Theo quy định hiện nay, GV tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc TH. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nếu căn cứ tiêu chuẩn này thì nhiều quận, huyện không thể kịp thời nâng chuẩn đội ngũ sư phạm hay tuyển dụng nhân sự mới. Cụ thể là trong năm học 2019 - 2020, một số quận, huyện đã rất chật vật trong việc tuyển dụng GV tiếng Anh. Ðiển hình như quận 11 có nhu cầu tuyển 21 GV tiếng Anh nhưng không có ai ứng tuyển, quận Bình Tân thì chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng từ bỏ nhiệm sở vì nhiều lý do.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục thành phố còn gặp khó khăn trong việc dự toán kinh phí hằng năm để thực hiện Ðề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT mới và bồi dưỡng GV dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Ðịa lý, Khoa học tự nhiên. Từ nhu cầu thực tế, Sở GD và ÐT thành phố kiến nghị Bộ GD và ÐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình GDPT mới, đặc biệt là với hai môn Tin học và tiếng Anh. Theo Thông tư 32 về Ban hành Chương trình GDPT 2018, tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc, do đó các địa phương cần có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với hai môn học này, bảo đảm đủ định biên theo định mức số tiết quy định.

Ngoài ra, áp lực sĩ số và việc học hai buổi/ngày cũng là vấn đề không hề đơn giản khi thành phố triển khai chương trình GDPT mới. Thành phố hiện bảo đảm tỷ lệ 292 phòng học/10 nghìn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), nhưng không đồng đều ở các quận, huyện (có nơi chỉ đạt 230 phòng học/10 nghìn dân). Mặt bằng chung tỷ lệ học hai buổi/ngày của thành phố hiện nay đang ở mức 70%; tuy nhiên mỗi nơi một khác. Trong khi các quận trung tâm khá thuận lợi trong việc này thì tại một số nơi, tỷ lệ học hai buổi/ngày của học sinh mới đáp ứng được 50%, thậm chí có quận/huyện chưa tới 30% (quận Tân Phú, huyện Bình Chánh…). Vì vậy, việc khẩn trương bảo đảm 100% số HS lớp 1 tại thành phố được học hai buổi/ngày theo chương trình mới đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Về nội dung này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục TH, Sở GD và ÐT thành phố cho biết: Thời gian qua, sở đã đề xuất các cơ quan chức năng đề nghị nhà đầu tư khi xây dựng các chung cư phải đi kèm trường học. Tương tự, các công ty, nhà máy có số lượng công nhân lớn cũng phải có trường học gần kề để giảm áp lực về sĩ số. Tuy nhiên, hiện nay chỉ 11 trong số 24 quận, huyện bảo đảm được 100% số HS học hai buổi/ngày. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho rằng: Áp lực mà ngành GD và ÐT thành phố đang phải “gánh” là vô cùng nặng nề. Ông Ngân tính toán: “Nếu chúng ta tính trẻ em từ 3 tuổi đến HS lớp 12 thì bình quân TP Hồ Chí Minh có 100 nghìn HS/cấp học, tương đương với tổng số 1,5 - 1,6 triệu HS cho toàn thành phố. Mỗi năm, thành phố tăng thêm khoảng 100 nghìn HS, lo được trường học cho tổng số HS này đã vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn lực GV cũng cần tính toán. Nếu không đủ nguồn GV Anh văn theo chuẩn tốt nghiệp đại học thì tính như thế nào? Hiện nay là thời điểm kinh tế thị trường, người giỏi vào dạy mà không giải quyết được vấn đề thu nhập thì sau một thời gian ngắn chắc chắn sẽ ra đi”. Còn Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Phan Thị Bình Thuận nêu lên nhiều lo lắng với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại ở nhiều quận, huyện khi triển khai chương trình GDPT mới. Bà Thuận cho rằng, không chỉ sĩ số cao, cơ sở vật chất, bàn ghế tại nhiều trường học hiện chưa bảo đảm, chật chội. Do đó, cần có sự khảo sát, rà soát, đánh giá chuẩn bàn ghế cho HS các bậc học để hạn chế bệnh học đường như cận thị, gù lưng. Mặc dù được đánh giá là giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường các tiết học ngoại khóa, nhưng bà Thuận vẫn băn khoăn khi triển khai vào thực tiễn chương trình GDPT mới có thật sự giảm được áp lực học tập cho HS hay không. Và khi HS đã học hai buổi/ngày, thì ngoài thời gian ở trường liệu các em có còn phải đi học thêm hay không.

Chia sẻ những áp lực mà ngành GD và ÐT thành phố đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị Sở GD và ÐT sớm có giải pháp bảo đảm chất lượng GV để thực hiện tốt việc đổi mới việc dạy và học theo định hướng của chương trình GDPT mới và đưa SGK mới cho HS khối 1 sử dụng từ năm học tới. Bên cạnh việc bảo đảm các tiêu chuẩn về tuyển dụng GV, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng kiến nghị Sở GD và ÐT thành phố sớm có đề xuất để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm yêu cầu giảng dạy của chương trình mới và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các trường.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/thao-go-vuong-mac-cho-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-611358/