Tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng

Đa số các Đại biểu tán thành với việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) chiều 21/5, đa số các Đại biểu tán thành với quy định về bổ sung chức năng GĐTP cho phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) được nêu trong dự thảo luật.

Khắc phục những bất cập trong hoạt động điều tra

Quy định phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử trong dự thảo Luật là vấn đề nhiều ĐB quan tâm.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị không bổ sung quy định trên với lý do đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao về kinh nghiệm.

Đặc biệt, quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi chuyên sâu. ĐB cũng cho rằng, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật GĐTP năm 2012 không thấy nêu về những khó khăn, vướng mắc của Viện Kiểm sát trong việc trưng cầu chuyên ngành giám định về âm thanh.

Dẫn quá trình soạn thảo dự án Luật, ĐB cũng nhận định việc bổ sung này là yêu cầu thực tế chưa bức thiết. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng GĐTP công lập thuộc Viện KSNDTC có xung đột với Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

“Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định thì liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong vấn đề này hay không?”, Đại biểu đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Xuân, trong bối cảnh hiện nay, việc bổ sung quy định này không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hiện nay.

Có quan điểm ngược lại, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết, qua nghiên cứu tài liệu cho thấy, hiện nay, yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự ngày càng cao.

Trong khi đó, nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ của Viện KSNDTC cho thấy đang thực hiện điều tra 38 tội danh xâm hại hoạt động tư pháp.

“Trong tình hình này, nếu không có đơn vị giám định sẽ phát sinh những bất cập về hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, qua công tác giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng nước ta thời gian qua cho thấy các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng thường do các trưng cầu giám định là chính”, Đại biểu phân tích và bày tỏ thống nhất việc bổ sung quy định nói trên.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) chỉ ra rằng, chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay.

Theo Đại biểu, việc thiết kế cơ quan giám định, thẩm định thuộc Viện KSNDTC xuất phát từ yêu cầu này và được quy định từ khoản 7 Điều 165 Bộ Luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra, theo đó quy định viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát hoạt động điều tra thì có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

“Tôi đặt giả sử là trong giám định âm thanh, kỹ thuật hình ảnh mà hiện chúng ta định giao cho Viện KSNDTC mà đã được chính cơ quan giám định của Bộ Công an đã giám định nhưng giờ phát hiện khả năng có vấn đề, nếu giờ lại giao chính lại cho giám định của Bộ Công an đó thì sẽ kết luận thế nào?”, Đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Vẫn theo Đại biểu, thực tiễn những người làm ở tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra cũng cho thấy, trong lịch sử tư pháp Việt Nam có vụ Tùng Dương ở cầu Chương Dương biết bao nhiêu lần giám định kết luận của giám định công an không ra được, đến khi giao cho giám định bên quân đội mới ra được vụ án.

Do đó, Đại biểu cho rằng quy định như vậy là để thực hiện yêu cầu cao nhất của tố tụng.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cũng tán thành với việc bổ sung chức năng GĐTP cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC với lý do để tránh quy trình khép kín trong giám định nếu để cơ quan giám định của Bộ Công an giám định lại các vụ việc.

Có thể không phải chi tiền mua thiết bị

Làm rõ ý kiến của các ĐB vào cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về việc chuyển chi phí và lệ phí sang phí, trong quá trình soạn thảo, vấn đề này đã được đặt ra và đã được thảo luận tương đối kỹ.

Nhận định việc sửa quy định về vấn đề này là rất tốt và có những lý do khá thuyết phục nhưng ông Long cũng chỉ ra rằng, nếu sửa quy định này thì phải sửa nhiều quy định của pháp luật có liên quan như các quy định trong pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về tố tụng hành chính, các quy định hành chính liên quan đến phí và lệ phí…

Trong khi đó, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này chỉ tập trung vào một số điều phục vụ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Do đó, lần sửa luật này chưa đặt vấn đề về việc trên.

Bên cạnh đó, nếu chuyển sang phí sẽ chỉ phù hợp với các tổ chức GĐTP công lập trong khi hệ thống của chúng ta còn có các tổ chức ngoài công lập.

Vì vậy, dự thảo hiện hành cơ bản giữ nguyên các quy định liên quan đến chi phí, quy định rõ kinh phí này thành nguồn riêng cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục vướng mắc hiện nay là việc thanh toán các chi phí rất chậm.

Về việc thành lập phòng giám định hình sự thuộc Viện KSNDTC, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, Chính phủ thiết kế quy định này theo đề xuất của Viện KSNDTC. Sau khi QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ QH và các ĐBQH, Viện KSNDTC đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung được gửi kèm cùng hồ sơ trình dự án Luật.

Theo Bộ trưởng Long, ở đây có vấn đề liên quan đến nguyên lý, tức việc thực hiện các chức năng điều tra của Viện KSNDTC như một số Đại biểu đã phát biểu. Bên cạnh đó, việc này cũng là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định và làm cho quá trình tố tụng đúng tiến độ.

Việc này cũng tạo thêm 1 kênh để xử lý các trường hợp mà các tổ chức tiến hành giám định có vấn đề chưa thống nhất với nhau.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định chỉ thành lập phòng giám định tại Viện KSNDTC và cũng chỉ trong phạm vi là thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu.

Theo thông tin từ Viện KSNDTC, quy định về việc này không phình bộ máy hoặc chỉ nhỉnh lên 1 chút, chỉ 1 phòng tại Viện KSNDTC.

Bên cạnh đó, chi phí mua thiết bị chỉ hết hơn 9 tỉ đồng và khả năng không phải chi tiền của Nhà nước mà đã có 1 dự án cấp trang thiết bị.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thao-go-vuong-mac-bat-cap-trong-xu-ly-cac-vu-an-kinh-te-tham-nhung-d125083.html