Tháo gỡ rào cản, tạo thể chế mới cho doanh nghiệp phát triển

Muốn không ngã tay chèo trước sóng hội nhập, doanh nghiệp Việt cần có một 'sức khỏe tốt'. Cùng với sự tự thân vươn lên, khu vực doanh nghiệp cũng đang từng ngày từng ngày được củng cố 'sức khỏe' bằng các chính sách nuôi dưỡng, tháo cởi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, đủ sức ra khơi.

Doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để không ngừng lớn mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để không ngừng lớn mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ rào cản để doanh nghiệp lớn mạnh

Cơ hội từ hội nhập, đặc biệt từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam mới ký kết như CPTPP, EVFTA là rõ ràng. Thế nhưng theo như cách nói của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, các FTA thế hệ mới không phải đại lộ này, đại lộ kia khi mà những cải cách tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước vẫn còn chậm trễ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, gần đây, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp trong 3 khu vực: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…

Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị quyết số 19/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ra đời và triển khai quyết liệt các Nghị quyết này đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tạo ra sự khích lệ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.

Trong năm 2019, lần đầu tiên Bộ KH&ĐT biên soạn và công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Sách trắng cung cấp thông tin chi tiết về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển doanh nghiệp bền vững và hiệu quả. Đây cũng là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Ngoài ra, việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 11 lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19, nhìn chung các doanh nghiệp đều nhận thấy môi trường đầu tư, kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, phải tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa; nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp.

Khai phá sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh hội nhập cùng với những thay đổi chóng mặt của công nghệ như hiện nay, doanh nghiệp Việt muốn không thua trên sân nhà, hay thành công khi “đem chuông đi đánh xứ người” thì không có cách nào khác phải nâng cao năng suất lao động. Muốn vậy, phải dựa trên nền tảng của đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Thủ tướng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương liên quan trong thời gian từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, phát triển khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cải cách thể chế không phải chỉ là tháo gỡ những rào cản do chính chúng ta đặt ra trước đó, mà còn cần phải chủ động xây dựng các thể chế mới thúc đẩy tăng trưởng, phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo chính là con đường cho doanh nghiệp Việt thực hiện khát vọng vươn ra biển lớn.

Thực tế, trong hai năm qua Bộ KH&ĐT đã tiên phong, triển khai nhiều nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo. Có thể kể đến trong năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo được thành lập gây được tiếng vang lớn, kết nối được nhiều người Việt tài năng tham gia vào các dự án, chương trình về khoa học công nghệ trong nước. Năm 2019, lần đầu tiên Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) được tổ chức với nhiều cam kết đầu tư, hợp tác đã được ký kết giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp start-up Việt, góp phần tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.

Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nghiên cứu lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp (Innovation Fund)... cũng đang được Bộ KH&ĐT xúc tiến.

Ngoài ra, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ do Bộ KH&ĐT xây dựng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8 vừa qua, tạo ra cơ hội lớn cho đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá của giới kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp, Đề án thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu thế mới, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ vốn có tiềm năng lớn để phát triển, tạo ra cơ hội việc làm mới, góp phần phát triển kinh tế tư nhân.

Năm 2020 và trong dài hạn, thời cơ và thách thức từ hội nhập sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, đến từng doanh nghiệp. Những chính sách tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp phát triển, cùng với thúc đẩy đổi mới sáng tạo… được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt hơn, hội nhập thành công hơn trên cả sân nhà và sân khách.

Minh Thư

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/thao-go-rao-can-tao-the-che-moi-cho-doanh-nghiep-phat-trien-107544.html