Tháo gỡ những 'nút thắt' nào cho xuất khẩu nông sản?

Các cơ quan quản lý đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông thủy sản tại tọa đàm 'Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam' do Báo Hải quan tổ chức ngày 26/6 tại TPHCM.

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Huế

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Huế

Thách thức lớn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, khu vực nông lâm thủy sản ở nước ta hiện chiếm tỷ trọng khoảng 14,57% GDP. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm XK trên 1 tỉ USD, như: cà phê, gạo, rau quả,…

Xuất khẩu nông sản không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, hoạt động XK nông sản của Việt Nam sang các nước còn bị hạn chế từ nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, phân phối và hoạt động thương mại từ chính nội lực của các DN.

Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 3% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, XK nông sản Việt Nam bị ách tắc, kim ngạch giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Điều này đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của nhiều DN.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,41 tỷ USD, giảm 3,2%; Giá trị XK thủy sản ước đạt 2,81 tỷ USD, giảm 11,5%…

Những mặt hàng giảm nhiều, như: Cao su đạt 464 triệu USD (giảm 30,4%), chè đạt 71 triệu USD (giảm 11,3%), hồ tiêu đạt 307 triệu USD (giảm 18,5%), trái cây đạt 1,15 tỷ USD (giảm 21,4%), cá tra đạt 456 triệu USD (giảm 39,1%), tôm đạt 955 triệu USD (giảm 14,5%)…

"5 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tình hình các thị trường trọng điểm dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế (tại EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc...) hiện nay thì có thể thấy để đạt được mục tiêu XK theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn. Để đạt được cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài. Dự báo tốc độ tăng trưởng XK nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc, EU…", ông Toản cho biết.

Còn nhiều nút thắt

Nhận định về khó khăn trong XK nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng có rất nhiều nút thắt trong hoạt động xuất khẩu nông sản, vì nông sản không chỉ có các nguyên tắc chung mà còn có rất nhiều vấn đề phát sinh hằng ngày cần phải giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay đang có một số nút thắt quan trọng cần phải tháo gỡ kịp thời.

DN nêu vướng mắc với các cơ quan quản lý tại tọa đàm. Ảnh: N.H

Cụ thể, theo ông Toản, để hoạt động xuất khẩu nông sản bền vững trước hết là phải làm chuẩn. Đúng các tiêu chuẩn, quy chẩn là con đường ngắn nhất, dễ nhất để các sản phẩm nông sản chinh phục thị trường xuất khẩu đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường này các DN phải rất nỗ lực trong nhiều năm liên tục. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã chinh phục được thị trường thế giới. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt đã có mặt tại 65 nước, mặt hàng tôm dã có mặt tại 139 nước, cá tra đã xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, để các sản phẩm nông sản Việt Nam thực sự là nông sản có chất lượng thì phải có được các tiêu chuẩn hài hòa so với thế giới như GobalGap. Cùng với đó, còn cần phải làm tốt các khâu mà các thị trường đang cần. Trong đó một yêu cầu quan trọng hiện nay là đáp ứng được các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Để đáp ứng được yêu cầu này các DN cần đặc biệt quan tâm, phương thức sản xuất, tiếp cận, hệ thống công nghệ thông tin.

“Một nút thắt quan trọng nữa cần được tháo gỡ là vấn đề xây dựng nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu cần làm tốt không chỉ là nhãn hiệu mà còn là các giá trị của sản phẩm được thừa nhận bởi cơ quan quản lý, thị trường…”, ông Toản nhấn mạnh.

Cùng quan điểm như trên, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, nút thắt quan trọng nhất và về lâu dài các DN phải lưu ý là phải nâng cao chất lượng, đáp ứng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao và khắt khe của các thị trường, đặc biệt là thị trường trong khối EU và các thị trường truyền thống như Mỹ và Nhật Bản. Chúng ta không nên xem là rào cảmn thương mại, mà phải xem là mục tiêu để phát triển cho ngành chế biến nông sản và thủy sản để xuất khẩu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, DN cần phải tổ chức lại hệ thống sản xuất để nâng cao hiệu quả, hiệu suất; sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, hạ giá thành và cải tiến liên tục bao bì sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, DN phải tập trung nắm bắt thông tin thị trường, phân tích nhanh nhạy, ứng dụng trực tiếp thông tin thị trường vào hoạt động sản xuất. Hiện tại các thị trường EU, Mỹ không chỉ quan tâm tới chất ượng sản phẩm mà quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất như thế nào? Điển hình như sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và các tiêu chuẩn khác như sở hữu trí tuệ…

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thao-go-nhung-nut-that-nao-cho-xuat-khau-nong-san-128974.html