Tháo gỡ khủng hoảng ở Li-băng

Những ngày gần đây, các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được xúc tiến dồn dập nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Li-băng. Liên đoàn A-rập (AL) đã tổ chức cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao bất thường, trong khi Tổng thống Pháp điện đàm với các nhà lãnh đạo nhiều nước nhằm kiềm chế nguy cơ căng thẳng ở Li-băng lan rộng trong khu vực.

Tuyên bố từ chức bất ngờ được đưa ra trong phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Ri-i-át của A-rập Xê-út, với lý do "I-ran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực", của Thủ tướng Li-băng X.Ha-ri-ri hôm 4-11 vừa qua đã đẩy Li-băng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Tuyên bố gây sốc của ông Ha-ri-ri đã làm dấy lên những quan ngại rằng, Li-băng, quốc gia vốn đang chia rẽ giữa phe do ông Ha-ri-ri đứng đầu và phong trào Hồi giáo Héc-bô-la do I-ran hậu thuẫn, có thể một lần nữa chìm trong bạo lực. Ðây cũng là "mồi lửa" châm ngòi cho tranh cãi và mâu thuẫn âm ỉ giữa I-ran và A-rập Xê-út, trở thành tâm điểm của sự leo thang tranh giành ảnh hưởng giữa hai phái Hồi giáo dòng Xun-nít ở A-rập Xê-út và Si-ít ở I-ran. Hiện Tổng thống Li-băng M.A-un vẫn chưa chấp thuận tuyên bố từ chức của Thủ tướng Ha-ri-ri và đang đợi người đứng đầu nội các Li-băng về nước trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, có những cảnh báo Li-băng đối mặt các lệnh trừng phạt kinh tế từ các quốc gia A-rập nếu phong trào Héc-bô-la không chấm dứt hành động can thiệp vào cuộc xung đột trong khu vực. Theo nhiều nguồn tin, A-rập Xê-út và các đồng minh A-rập đã lên kế hoạch nhằm loại bỏ Héc-bô-la ra khỏi chính phủ tương lai của Li-băng, nếu phong trào này tiếp tục là một lực lượng quân sự và an ninh của I-ran. Nhiều lao động Li-băng đang làm việc tại A-rập Xê-út hoặc vùng Vịnh, với nguồn thu nhập lớn họ đem lại cho kinh tế Li-băng, có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị. Ước tính, khoảng 400 nghìn lao động Li-băng làm việc tại vùng Vịnh và kiều hối từ khu vực này là nguồn tiền mặt rất quan trọng để duy trì nền kinh tế cũng như hoạt động của chính phủ vốn ngập sâu trong nợ nần của Li-băng. Các chính trị gia và giới chủ ngân hàng ở Li-băng lo ngại A-rập Xê-út đang hối thúc các đồng minh A-rập phong tỏa kinh tế đối với Li-băng như đã làm với Ca-ta.

Hiện cuộc khủng hoảng ở Li-băng đã đẩy A-rập Xê-út và I-ran vào cuộc khẩu chiến khó có hồi kết. Hai bên tố cáo lẫn nhau gây bất ổn tình hình khu vực. Trước nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực, AL đã nhóm họp bất thường tại Cai-rô, Ai Cập để bàn biện pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Bộ trưởng Ngoại giao các nước AL đã lên án "hành động gây hấn" của I-ran, trong khi Tổng Thư ký AL A.Ghê-ít hối thúc Liên hợp quốc ngăn chặn I-ran gây bất ổn ở khu vực, nhấn mạnh rằng, việc lực lượng Hu-thi được I-ran hậu thuẫn bắn tên lửa từ Y-ê-men sang lãnh thổ A-rập Xê-út là hành động thù địch nhằm vào tất cả các nước A-rập. Trong tuyên bố chung, các nước A-rập đã quyết định cử một phái đoàn tới Liên hợp quốc để đề nghị Hội đồng Bảo an giải quyết cáo buộc I-ran vi phạm Nghị quyết 2231 của cơ quan này khi phát triển tên lửa đạn đạo, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia các nước A-rập. Theo một quan chức AL, A-rập Xê-út và các đồng minh đang tính đến một biện pháp mạnh để buộc I-ran chấm dứt những chính sách mà họ cáo buộc là "gây bất ổn" trong khu vực. Tuyên bố chung của AL cũng lên án nhóm chính trị và vũ trang Héc-bô-la, cho rằng phong trào này phải chịu trách nhiệm về việc đã ủng hộ các tổ chức khủng bố và cực đoan tại các nước A-rập. Ðáp lại, I-ran cho rằng chính sách của A-rập Xê-út là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề của khu vực đồng thời tuyên bố các Bộ trưởng Ngoại giao AL là sản phẩm của việc gây áp lực và chiến dịch tuyên truyền của A-rập Xê-út chống I-ran. I-ran cũng cáo buộc A-rập Xê-út can thiệp công việc nội bộ của Li-băng.

Ngay sau khi họp khẩn ở Ai Cập, Tổng Thư ký AL A.Ghê-ít đã tức tốc tới Li-băng. Ông tuyên bố rằng Li-băng cần được bảo vệ trước những căng thẳng ngày một leo thang trong khu vực. Trong khi đó, sự can dự mới nhất của châu Âu nhằm hóa giải căng thẳng tại Li-băng được tiến hành khi Tổng thống Pháp có cuộc gặp Thủ tướng tuyên bố từ chức của Li-băng X.Ha-ri-ri trong chuyến thăm của ông Ha-ri-ri tới Pa-ri sau khi ông rời A-rập Xê-út. Sau cuộc gặp này, Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã có một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ, Li-băng, Ai Cập, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thái tử A-rập Xê-út để bàn về căng thẳng chính trị tại Li-băng.

Các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng ở Li-băng và hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực đang được xúc tiến. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, những diễn biến mới nhất cho thấy Trung Ðông dường như đã bước vào một giai đoạn khủng hoảng phức tạp hơn. Và, nếu các nước A-rập gia tăng chính sách thù địch chống I-ran, mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên sẽ trở nên khó hóa giải, ảnh hưởng đến những nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34780102-thao-go-khung-hoang-o-li-bang.html