Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Tính đến tháng 5-2020, TP Hà Nội có 1.625 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó số trường công lập chiếm 71,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra. Tuy nhiên, thành phố đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác xây dựng, chuẩn hóa trường đạt chuẩn quốc gia.

Tính đến tháng 5-2020, TP Hà Nội có 1.625 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó số trường công lập chiếm 71,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra. Tuy nhiên, thành phố đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác xây dựng, chuẩn hóa trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đồng đều tại các cấp học. Hiện nay, khối tiểu học đạt 77,2%; khối THCS đạt 79,4%; khối THPT đạt 65,5%. Trong khi khối mầm non mới đạt 61,5%, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh, số dân cơ học tăng nhanh, gây áp lực về sĩ số học sinh trong lớp và số lớp trong trường vượt quá quy định. Mặt khác, cả khu vực nội thành và ngoại thành đều gặp khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nếu như ở khu vực nội thành, các phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ, nhưng lại thiếu diện tích sân chơi, số học sinh và số lớp học đều vượt quá quy định, thì tại ngoại thành, các trường học đều có sân chơi thoáng rộng, không bị quá tải học sinh, nhưng lại thiếu cơ sở vật chất. Ngoài ra, do một số thông tư, quy định thay đổi theo hướng bổ sung, nâng cấp các hạng mục, cho nên một số trường hiện đang “nợ” tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia hoặc quá thời hạn công nhận lại, cá biệt có trường quá hạn từ năm đến bảy năm. Năm 2020, theo kế hoạch thành phố cần công nhận lại 621 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay chỉ mới có 404 trường đăng ký, còn lại đều viện lý do khó khăn đầu tư sửa chữa, chống xuống cấp, bổ sung thiết bị, cho nên xin chuyển sang những năm tiếp theo.

Tại đợt giám sát mới đây về nội dung này của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, đoàn giám sát chỉ rõ, những vướng mắc khi triển khai trường chuẩn quốc gia, là do một số quận, huyện chưa chủ động, quan tâm đến công việc này, thậm chí sự chậm trễ từ chính Sở Giáo dục và Đào tạo khi chưa kịp thời bố trí lực lượng kiểm tra, đánh giá tại các địa phương. Để khắc phục những bất cập này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình đề nghị các đơn vị rà soát, cập nhật quy hoạch mạng lưới trường học vào quy hoạch của thành phố, có giải pháp đẩy nhanh công nhận và công nhận lại trường chuẩn theo kế hoạch bảo đảm thực chất, hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo cần hướng dẫn các địa phương kiểm tra phân luồng trường học, hạn chế tình trạng học sinh học trái tuyến. Đồng thời, rà soát toàn hệ thống trường công lập trên địa bàn, lên danh sách cụ thể những trường chưa đạt chuẩn về diện tích cần tăng mật độ chiều cao để kiến nghị thành phố và các ngành theo hướng có cơ chế giải quyết chung, chứ không theo từng dự án cụ thể như hiện nay. Sở cũng cần tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện và trường khi xây dựng công nhận trường chuẩn quốc gia cần chú trọng hoàn thiện hồ sơ trang thiết bị trường học, giảng dạy; rà soát nhu cầu xây trường đến năm 2025.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo nhằm chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Với Thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước, vấn đề này càng cấp thiết hơn. Mong rằng những khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố sớm được tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn lực để phát triển bền vững.

ĐÀ ĐÔNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44947002-thao-go-kho-khan-trong-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia.html