Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển

Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đáng ghi nhận khi số lượng sản phẩm chăn nuôi 'tiến ra' thị trường thế giới ngày một tăng. Song ngành chăn nuôi hiện vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập do dịch bệnh và sức cạnh tranh còn hạn chế.

Ngành chăn nuôi sẽ phải làm gì để tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới? Đó là chủ đề mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Phóng viên (PV): Một trong những khâu yếu của chăn nuôi hiện là chế biến và thị trường. Vậy Bộ NN&PTNT đã có những biện pháp gì cho vấn đề trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chăn nuôi lợn là một trong những ngành rất quan trọng. 20 năm qua, chúng ta đã có bước phát triển lớn mạnh trong chăn nuôi, từ con giống, phương thức, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, một trong những khâu yếu nhất trong chăn nuôi chính là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông. Vì vậy, cuối năm 2016, đầu năm 2017, chăn nuôi lợn đã bị khủng hoảng thừa mà hơn 10 năm gần đây chúng ta mới gặp phải. Trước tình hình đó, để củng cố, chúng ta phải tập trung vào khâu yếu nhất để khắc phục. Từ đó đến nay, các thành phần kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp có tiềm lực lớn cùng với các địa phương đã tham gia đầu tư vào khâu chế biến hiện đại. Năm 2018, một số dự án lớn của doanh nghiệp đã đầu tư vào xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến sản phẩm mà Tập đoàn Masan là điển hình.

Sản phẩm thịt lợn bày bán ở hội chợ được tổ chức tại TP Hà Nội, tháng 2-2019. Ảnh: DIỆP ANH

PV: Vậy làm thế nào để chúng ta đưa ngành chăn nuôi trong đó có con lợn gắn với chuỗi giá trị, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, sự cạnh tranh về các mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường quốc tế ngày càng khốc liệt và thịt lợn cũng là mặt hàng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, định hướng chung là chúng ta sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn một cách khép kín, từ con giống, sản xuất thức ăn tới tổ chức chăn nuôi, nhà máy, dây chuyền chế biến hiện đại lẫn tổ chức phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng theo phương thức hiện đại, có quy mô lớn. Các doanh nghiệp này không chỉ đủ sức cạnh tranh để chiến thắng ở thị trường nội địa mà còn đặt mục tiêu làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể xuất khẩu được thịt lợn.

Bước đi của ngành chăn nuôi lợn phải phù hợp với quá trình chung của chuyển dịch kết cấu lao động gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tùy vào tình hình, điều kiện cụ thể ở các địa phương và quy mô cấp hộ sẽ có những phương thức liên kết phù hợp, trên cơ sở bảo đảm làm sao ngành hàng thịt lợn của Việt Nam vừa phải đủ sức cạnh tranh cao, được tổ chức sản xuất hiện đại, song vẫn phải bảo đảm để không người nông dân, người chăn nuôi nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển dịch đó.

PV: Để tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn với nông dân như Bộ trưởng vừa đề cập, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhà máy giết mổ của Tập đoàn Masan tại Hà Nam là nhà máy có dây chuyền công nghệ rất hiện đại, với công suất rất lớn, lên tới 1,4 triệu con lợn/năm. Nhưng bản thân Masan cũng không thể tự sản xuất đủ nguyên liệu cho chế biến của nhà máy. Bởi trong giai đoạn 1, Masan chỉ mới sản xuất được khoảng 230.000 con/năm phục vụ cho nhà máy chế biến. Để đủ nguyên liệu cho chế biến của nhà máy, rõ ràng Masan sẽ phải tổ chức liên kết chăn nuôi cùng với người dân. Nhưng hiện nay, nông dân lại chưa đủ điều kiện để thực hiện được việc liên kết chăn nuôi theo các yêu cầu kỹ thuật của Masan. Một là, quy mô chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hai là, phương thức sản xuất, điều kiện kinh tế chưa cho phép người dân chăn nuôi đưa vào chuỗi của Masan. Vì vậy, đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ phải vào cuộc quyết liệt. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với tỉnh Hà Nam rà soát, quy hoạch những khu vực chỉ chuyên chăn nuôi lợn. Như vậy, mới có điều kiện khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô lớn, thuận lợi hơn cho việc hợp tác trong chăn nuôi, quản lý môi trường. Chúng tôi cũng đề nghị Tập đoàn Masan vào cuộc để cùng tìm ra phương thức hợp tác kinh tế trong liên kết sản xuất với người dân xem phía tập đoàn có thể đầu tư những gì cho các hộ liên kết. Ví như con giống, thức ăn, hay kỹ sư chỉ đạo, làm sao sản xuất ra được con lợn đúng theo quy chuẩn của Masan, giá thành hợp lý, bảo đảm người dân có việc làm và tập đoàn có nguyên liệu sản xuất, chế biến.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

NGUYỄN NGHINH XUÂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-kho-khan-tao-dieu-kien-de-nganh-chan-nuoi-phat-trien-581775