Tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 mới được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam công bố, tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí 13/63. Đây là năm thứ 3 liên tiếp PCI của tỉnh giảm, không đạt mục tiêu nằm trong top 10.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề này.

 Ông Lê Duy Thành.

Ông Lê Duy Thành.

Phóng viên (PV): Nói đến Vĩnh Phúc nhiều người thường nghĩ tới một điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư (MTĐT), tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng PCI của tỉnh đã giảm trong 3 năm liên tiếp. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Ông Lê Duy Thành: Năm 2015, Vĩnh Phúc là một trong 4 địa phương đứng đầu trên bảng xếp hạng PCI. Tuy nhiên, PCI của tỉnh đã giảm điểm 3 năm liên tục, năm 2018 xuống vị trí 13/63 với 6/10 chỉ số thành phần giảm thứ hạng (chỉ số tiếp cận đất đai giảm 7 bậc; chỉ số chi phí thời gian giảm 41 bậc; chỉ số thiết chế pháp lý giảm 35 bậc; chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm 6 bậc; chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 19 bậc và chỉ số chi phí không chính thức giảm 17 bậc). Mặc dù vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá, nhưng đó là lời cảnh báo với tỉnh thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tiếp tục đà tăng trưởng.

Ngoài các nguyên nhân khách quan như dư địa cải cách của tỉnh hiện nay đều thuộc các vấn đề khó khăn, phức tạp; sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều tỉnh bạn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai… còn một số quy định chưa thống nhất, bất cập thì chúng tôi nhìn nhận chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, nhất là trong giải quyết những tồn tại và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp; các điều kiện để doanh nghiệp gia nhập thị trường chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn, môi trường pháp lý và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế; sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, sự kết nối giữa chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có lúc chưa kịp thời; đội ngũ cán bộ, công chức có lúc có nơi còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chất lượng tham mưu giải quyết thủ tục hành chính, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp còn hạn chế; việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với hầu hết các dự án còn gặp khó khăn; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, chưa kịp thời; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện MTĐT hiệu quả chưa cao…

VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là một trong những điển hình thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất rau mầm tại VinEco Tam Đảo. Ảnh: Quang Thuần

PV: Thưa ông, mục tiêu cụ thể của tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian tới là gì?

Ông Lê Duy Thành: Thời gian tới phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 3189/QĐ-UBND của UBND tỉnh về cải thiện MTĐT, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh tập trung để năm 2019, phấn đấu đưa PCI nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.

PV: Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, tỉnh có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Duy Thành: Trước hết là phát huy vai trò của các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần PCI có liên quan, chú trọng các chỉ số có thứ hạng thấp. Về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), sẽ chuyển tất cả TTHC hiện đang giải quyết tại các cơ quan, đơn vị sang trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã, đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết TTHC nhằm tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, hạn chế các hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp; áp dụng chữ ký điện tử với các TTHC liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Các ngành, các cơ quan chức năng và từng địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, TTHC; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ có biểu hiện vi phạm. Tỉnh cũng sẽ tăng cường chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp định kỳ tham mưu tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, duy trì tốt việc khảo sát lấy ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PHƯƠNG HIỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-kho-khan-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-576325