Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản

Những năm gần đây, xuất khẩu (XK) hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng ấn tượng. 8 tháng đầu năm, tổng giá trị XK đạt hơn 1.566 triệu USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ và đạt 80,3% so với kế hoạch năm.

Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (KCN Lễ Môn).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Thống kê, cơ cấu các mặt hàng XK của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da chiếm tới gần 80% tổng giá trị kim ngạch XK; trong đó có tới 80% DN trong lĩnh vực này là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội, nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh chưa cao. Trong khi đó, là một địa phương có 80% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp, nhưng giá trị đóng góp vào kim ngạch XK chưa tới 10%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là 25%.

Không những vậy, tình hình XK các mặt hàng nông - lâm - thủy sản luôn trong tình trạng không ổn định. Điển hình như trong tháng 8-2018, một số mặt hàng XK chủ lực trong lĩnh vực này giảm, như: Tinh bột sắn, các mặt hàng thủy sản, súc sản... Theo rà soát, trong các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực chỉ có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản XK có mức tăng trưởng đều, đạt 2,35 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ. Các công ty khác sản lượng đều sụt giảm. Công ty Tư Thành XK đạt 154.000 USD, bằng 87% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Hoa Mai đạt 255.000 USD, bằng 46,6% so với cùng kỳ; Công ty CP Thương mại và Chế biến hải sản Long Hải XK đạt 2,182 triệu USD, bằng 71,8% so với cùng kỳ... Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Chế biến hải sản Long Hải (Tĩnh Gia), cho biết: Nguyên nhân khiến sản lượng hàng hóa XK của đơn vị không ổn định trong những năm gần đây là do thiếu nguồn nguyên liệu. Đơn vị đã có chính sách đầu tư cho ngư dân vay vốn đóng tàu và thực hiện công tác hậu cần nghề cá, thu gom nguyên liệu ngay trên biển, tuy nhiên do trên địa bàn huyện Tĩnh Gia và các vùng lân cận có quá nhiều nhà máy chế biến thủy sản nên sự tranh giành nguyên liệu diễn ra thường xuyên, khiến DN luôn trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Cũng tại huyện Tĩnh Gia, Nhà máy Chế biến hải sản và Xuất khẩu đá lạnh Nghi Sơn có công suất chế biến 40.000 tấn nguyên liệu/năm. Để chủ động nguồn nguyên liệu, nhà máy đã đầu tư cho đội tàu dịch vụ hậu cần gồm 65 tàu cá, với số vốn trung bình từ 500-800 triệu đồng/tàu để thu mua nguyên liệu tại các vùng biển trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng nguyên liệu nhà máy thu mua chỉ đáp ứng được 20-30% công suất.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý Xuất - Nhập khẩu, Sở Công Thương, tình hình XK các mặt hàng nông - lâm -thủy sản không ổn định là do trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm này còn nhiều hạn chế, khiến các mặt hàng XK kém cạnh tranh trên thị trường, như: Hạn chế về vấn đề tích tụ ruộng đất khó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tập kết nguyên liệu, gây khó khăn cho việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu của các DN. Trình độ sản xuất của nông dân thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu xuất xứ, bảo quản sản phẩm; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản còn lạc hậu, chủ yếu chế biến thô và chưa có thương hiệu; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thiếu chặt chẽ. Việc phát triển vùng nguyên liệu, quy hoạch nhà máy sản xuất chưa hợp lý.

XK nông - lâm - thủy sản không chỉ mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể mà còn góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Do đó, công tác đẩy mạnh XK cần được các ngành, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp dành sự quan tâm hơn nữa. Với môi trường xuất khẩu, các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu dựng lên ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng khắt khe. Do đó, bên cạnh sự chủ động của DN trong việc tiếp cận thông tin, đa dạng hóa thị trường XK, tích cực đầu tư, cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất để XK sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn, các ngành liên quan cần nghiên cứu những chính sách hỗ trợ thiết thực với DN. Sở Công Thương cần tập trung rà soát để có chỉ đạo kịp thời đối với các mặt hàng nông – lâm – thủy sản XK có thế mạnh, tạo điều kiện để các DN xuất khẩu tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cung cấp thông tin dự báo thị trường, ổn định vùng nguyên liệu sản xuất... Tuy nhiên, các DN cũng cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, gia tăng các sản phẩm có giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các DN để đón đầu những nhu cầu mới của thị trường.

Để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng phục vụ XK, ngành nông nghiệp cần định hướng xây dựng những vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ nông dân, DN để sản xuất bền vững. Ưu tiên cho DN đầu tư vào địa bàn, làm tốt công tác xúc tiến thương mại; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn nông dân dồn điền, đổi thửa theo quy định, sản xuất bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng quản lý chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh để XK, tập huấn quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Về dài hạn, cần tiến đến một nền sản xuất nông – lâm - thủy sản quy mô, tập trung, hiện đại, có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Có như vậy mới bảo đảm được chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông – lâm - thủy sản của tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/trumdw/new-article.aspx